Giáo viên “gài” trước câu hỏi, học sinh được “phân vai” trả lời; học sinh ngoan, học giỏi được vào lớp, học sinh kém phải ở nhà… những câu chuyện đang gây bức xúc trong dư luận một lần nữa "báo động” về bệnh thành tích trong giáo dục.
- Thực hư thông tin nữ giáo viên bị hiệu trưởng cưỡng dâm
- Chân dung gã thanh niên trèo tường vào trường hiếp dâm học sinh lớp 4, bị giáo viên phát hiện
Không phải hiện tượng đơn lẻ
Còn bao nhiêu địa phương xảy ra sự việc như ở Hải Phòng, khi nhà trường lựa chọn học sinh tham gia tiết thi giáo viên dạy giỏi, học sinh yếu kém không được vào lớp? Trước câu hỏi này, không ít giáo viên - người trong cuộc - thành thật, đây không phải là hiện tượng đơn lẻ.
Đến nỗi, nhiều giáo viên tâm sự, nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, hay những đợt dự giờ, thao giảng. Đến hẹn lại lên, những lúc như thế thầy cô vẫn nói vui là “chuẩn bị lên thớt".
Từng có nhiều năm đi chấm thi giáo viên dạy giỏi, PGS-TS Nguyễn Hữu Hợp (khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay mang tính chất diễn, hình thức nhiều hơn. Việc đánh giá năng lực sư phạm của một người giáo viên chỉ qua một tiết dạy thôi là việc thiếu khách quan.
“Thi giáo viên giỏi còn thiếu tính sư phạm khi các em học sinh làm quân xanh cho giáo viên dạy, các em phải học nói dối để khiến buổi diễn thành công”- PGS Hợp thẳng thắn.
Theo Thông tư 21 ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, khi tham gia hội thi, giáo viên sẽ báo cáo sáng kiến kinh nghiệm, làm một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ…
Đặc biệt, giáo viên phải thực hành giảng dạy hai tiết trong chương trình tại thời điểm diễn ra hội thi. Giáo viên sẽ có ít nhất một tuần chuẩn bị cho tiết thực hành.
Và trong thời gian này, cả cô và trò đều khổ. Cô sẽ tất bật lên ý tưởng cho bài giảng, có người còn “gà” trước câu hỏi và câu trả lời cho học sinh. Việc này khiến thi giáo viên giỏi không còn là động lực để giáo viên phấn đấu mà trở thành một áp lực lớn và mang tính hình thức.
"Diễn” trong giáo dục là nguy hại
Từng nhiều năm giảng dạy ngành giáo dục tiểu học trong trường sư phạm, PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM) chia sẻ không ít lần nghe tâm sự của các cựu sinh viên về những áp lực liên quan đến tiết dự giờ, thi giáo viên giỏi.
Theo bà, không giáo viên nào hào hứng với việc liên tục đón các đoàn đến dự giờ lớp học của mình, hay suốt ngày tham gia hết hội thi nọ, hội thao kia, vùi đầu trong sổ sách, giấy tờ hành chính.
Tuy nhiên vì thi đua, vì thành tích, đôi khi giáo viên và học sinh thực hiện theo cách đối phó, hay nói cách khác là phải “diễn”. PGS Tuyết cho rằng, việc này là nguy hại với giáo dục, gây hoang phí thời gian, tâm sức và thêm gánh nặng áp lực lên vai giáo viên.
Nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - nguyên giảng viên khoa Lịch sử của Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, thi giáo viên giỏi đang trở thành thứ “tra tấn” tinh thần cho cả thầy và trò khi họ phải ôn thi, luyện thi, thi và… diễn.
Đã có thi thì phải có chấm điểm, muốn được điểm cao thì phải ôn luyện, muốn ôn luyện tốt thì lặp đi lặp lại nhiều lần. Kết quả là một bài được cô ôn đi ôn lại với trò nhiều lần. Bản thân cô còn chán ngán nói gì tới trò.