Hiện các hộ dân may mắn thoát nạn sau vụ sạt lở đất khiến 18 người tử vong ở thác Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc đã chuyển đến nơi ở mới và đang tất bật chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất.
- Phát hiện clip nóng của vợ và nhân tình, chồng tra hỏi thì bị mắng: 'Đồ đàn bà'
- Bó hoa nhỏ ngày Valentine và cái hôn bình dị của cặp vợ chồng già: Niềm ao ước của bao cặp đôi trẻ
Sau hơn 4 tháng xảy ra thảm họa sạt lở đất khiến 18 người bị vùi lấp tử vong ở thác Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình), theo ghi nhận của PV vào những ngày cuối năm 2017 (Âm lịch), người dân nơi đây đang tất bật xây những ngôi nhà mới ở vùng đất mới để chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất 2018.
Mặc dù đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng nỗi đau ngày nào dường như vẫn còn hiện rõ trong tâm trí của những người may mắn còn sống sót.
Tâm sự với PV về cuộc sống ở vùng đất mới sau vụ thảm hoạ, anh Đinh Công Hoan (29 tuổi, xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết, gia đình anh có 5 người bị đất đá vùi lấp tử vong, giờ chỉ còn hai vợ chồng anh và hai con anh còn sống.
Anh Hoan buồn rầu tâm sự, để vợ chồng và hai con anh có thể đón được Tết Mậu Tuất như bây giờ, có lẽ do linh cảm của bố anh Hoan, bởi trước khi xảy ra thảm họa, anh Hoan và bố có xảy ra mâu thuẫn.
"Ngày hôm đấy (rạng sáng 12/10/2017) là lần đầu tiên tôi và bố xảy ra mâu thuẫn mà ông ấy (bố anh Hoan - PV) đuổi tôi ra khỏi nhà, nhưng không ngờ lại là lần cuối tôi và ông nói chuyện với nhau.
Sau vụ sạt lở đất kinh hoàng đó, tôi cùng mọi người trong gia đình có quay lại 1 lần là khi những người thân của tôi mất được 100 ngày.
Tôi sẽ không vào đó nữa, nơi đó chứa quá nhiều đau thương...", anh Hoan chia sẻ.
Vợ anh Hoan cho biết, vào buổi chiều hôm trước xảy ra thảm họa, chị vẫn xuống suối Khanh để bắt cá, bắt cua.
"Chiều hôm trước (11/10/2017) xảy ra thảm họa, tôi đã xuống suối Khanh để bắt cá, bắt cua. Khi bắt cua, cá ở suối, tôi thấy ở thác Khanh có sạt lở, những mảng nhỏ rơi xuống suối nhưng tôi không nghĩ lại xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng đến vậy", vợ anh Hoan nói.
Vợ chồng anh Hoan cũng tâm sự, sau khi vụ sạt lở đất xảy ra, gia đình anh cũng như các gia đình khác phải đi ở nhờ người quen, sống ở những lán tạm.
Sau đó, được cơ quan chức năng hỗ trợ, các mạnh thường quân giúp đỡ, gia đình anh đã có một số tiền để xây dựng căn nhà mới. Mặc dù, chi phí để xây nhà vẫn chưa đủ nhưng vợ chồng anh và mọi người sẽ cố gắng làm ăn để trả nợ khi xây xong nhà.
Theo anh Hoan, tuy nhà mới chưa hoàn thành nhưng anh vẫn lên ở và chuyển ban thờ tổ tiên lên, không để ở dưới lán nữa.
Sang năm mới 2018, anh Hoan sẽ hoàn thiện ngôi nhà và quét sơn.
Cùng chia sẻ với chúng tôi, bà Bùi Thị Thảo (vợ của ông Đinh Công Bộng, một trong số 18 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất) cho biết, được mọi người giúp đỡ nên gia đình có nhà mới để ăn Tết.
"Hiện tại, ba mẹ con tôi đã mua một mảnh đất ở cách nơi xảy ra sạt lở đất khoảng 1km để xây nhà. Tết năm nay, nhà tôi cũng chỉ gói bánh chưng và đụng thịt chung với mọi người", bà Thảo nói.
Ghi nhận của chúng tôi ở gần khu vực sạt lở đất vừa qua, người dân đã bỏ nhà để di chuyển đi nơi khác vì ám ảnh bởi vụ sạt lở đất kinh hoàng.