Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ đã thực hiện thành công một ca mổ cứu sống kịp thời cụ ông 72 tuổi bị vỡ túi phình động mạch chủ bụng.
- Xót xa trước hoàn cảnh gia đình khó khăn của nữ sinh 16 tuổi bị hiếp dâm, sát hại oan ức ở Sơn La
- Xuống giếng sửa đường dẫn nước sinh hoạt, người phụ nữ tử vong dưới giếng sâu
Theo thông tin từ báo Cần Thơ, vào trưa 7-8, cụ ông 72 tuổi được chuyển cấp cứu từ một BV ở tỉnh Vĩnh Long đến BV Đa khoa TP Cần Thơ. Qua kết quả xét nghiệm và CT bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng đã vỡ, sốc mất máu nặng, nguy cơ tử vong trên 90%. Ê-kíp cấp cứu tiến hành ca mổ khẩn, mở bụng đường giữa trên và dưới rốn vào ổ bụng, xử trí cắt túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo.
BS CKII Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Đây là trường hợp sống sót khá hiếm hoi vì chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ bụng lại chuyển viện trên quãng đường khá dài. Bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong trên đường vận chuyển. Những trường hợp vỡ túi phình phát hiện tại BV, được tiến hành mổ khẩn không cần chuyển mà tỷ lệ tử vong rất cao.
Trước đó, thông tin từ Vnexpress cũng có ca tương tự, bà Nguyễn Thị Lan (84 tuổi, ngụ Lâm Đồng) nhập khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng đau tức vùng bụng, huyết áp tăng cao đến 170 mmHg, sức khỏe yếu.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng từ cách đây một năm. Vì lớn tuổi, kèm theo nhiều bệnh mạn tính nặng (như hẹp động mạch vành, bệnh thận mạn tính giai đoạn 4, thiếu máu nặng...), tình trạng được đánh giá nguy cơ cao khi thực hiện phẫu thuật cắt khối phình hoặc thủ thuật đặt stent graft động mạch chủ.
Thời gian thực hiện cấp cứu chưa đến 60 phút, ít xâm lấn song hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật và thời gian hồi phục được rút ngắn 1/2 so với trước. Với phẫu thuật truyền thống, thời gian nằm viện từ 7-10 ngày, cần từ 3-5 tháng để phục hồi sức khỏe. Trong khi đó, bệnh nhân đặt stent graft chỉ nằm viện 3-5 ngày, có thể hồi phục gần như bình thường chỉ sau một tháng.
Hiện nay, căn bệnh này thường xuyên xuất hiện ở những người lớn tuổi, 80% bệnh lý phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình. Khi có cảm giác đau tức vùng bụng nghĩa là có nguy cơ vỡ tương đối cao. Vì vậy, những người trên 65 tuổi, đặc biệt người có các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa lipid... nên khám tầm soát sớm nhận đánh giá đúng tình trạng động mạch chủ bụng, có kế hoạch theo dõi hoặc can thiệp kịp thời.