Mặc dù vợ đã có bầu sắp sinh nhưng người chồng vẫn vô tư dẫn vào vũ trường “quẩy” tưng bừng. Không chỉ vậy, người chồng còn tự tay quay clip tung lên mạng khiến cư dân mạng tranh cãi kịch liệt.
Đoạn clip được chia sẻ kèm theo chú thích: “Tuy sắp đẻ nhưng 2 vợ chồng vẫn thường lên vũ trường các dịp cuối tuần nhảy đầm cho con nghe non stop, vinahouse ngay từ khi còn trong bụng mẹ”.
Có lẽ khi chia sẻ đoạn clip, đôi vợ chồng trẻ nghĩ rằng hành động này vô cùng “ngầu”, sẽ được mọi người khen ngợi. Nhưng trên thực tế, đoạn clip này đã khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ và bức xúc vì việc phụ nữ mang thai vào những nơi như vũ trường, quán bar có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
“Âm thanh ảnh hưởng, hít khói cần sa, thuốc lá gián tiếp... bà ấy có dùng bia rượu hay không còn không biết ấy, một đống thứ như thế vào người lỡ con cái có bị gì thì ân hận suốt đời”, D.N.T bình luận.
“Cứ nghĩ là hay mà lẽ nào kiến thức căn bản lúc mang thai còn không có sao? Cả vợ lẫn chồng? Muốn làm cha, làm mẹ thì nên tìm hiểu trước chứ đừng dại dột làm bậy rồi sao này con cái chịu khổ”, Đ.V.Đ bức xúc.
Phụ nữ mang thai có nên đi vũ trường?
Theo chia sẻ của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 với phóng viên Phụ nữ và Gia đình, việc phụ nữ mang thai đến những nơi có tiếng ồn lớn như vũ trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thính giác của thai nhi sau khi chào đời.
Bên cạnh đó, khi mang thai nếu phụ nữ không ngủ đủ giấc (từ 21 giờ đến 3 giờ sáng) sẽ khiến sức đề kháng bị suy yếu dễ nhiễm bệnh hoặc có thể gây trầm cảm.
Những loại nhạc mẹ bầu nên nghe để tốt cho thai nhi
Để trẻ phát triển trí não trong giai đoạn mang thai, các chuyên gia khuyên người mẹ nên cho trẻ nghe các loại nhạc như: nhạc giao hưởng, tiếng dương cầm hay sáo trúc nhẹ nhàng.
Lưu ý khi cho thai nhi nghe nhạc, không nên bật nhạc quá to nếu đặt tai nghe (headphone) lên bụng. Lựa chọn tốt nhất khi mẹ và thai nhi nghe nhạc là sử dụng loa ngoài vì nước ối có khả năng khuếch đại âm thanh. Nếu dùng tai nghe qua một giờ cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ khi chào đời.