Thay vì chăm sóc thú cưng sống, ông Nguyễn Bảo Sinh (82 tuổi) dành một khu đất lớn trong ngõ 167 Trương Định (Hà Nội) để xây nghĩa trang, chôn cất chó mèo đã chết.
- Nam thanh niên tử vong trong tư thế ‘bất thường’ ở nghĩa trang tại Bình Dương: Người dính keo nhựa, phát hiện nhiều vật dụng cách thi thể 20m
- Bình Phước: Cứu sống bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở nghĩa trang, trên áo còn dính vết máu
“Tề Đồng Vật Ngã”
Từ khi còn nhỏ, ông Sinh đã có tình yêu thương với động vật. Dù vậy nhưng ông chưa từng nghĩ mình sẽ làm “nghề” chôn cất chó mèo.
Ban đầu, ông Sinh dành một góc nhỏ trong vườn để chôn chú chó tên Ami - người bạn thân thiết với mình 12 năm. Sau đó, ông nhận giúp người thân, bạn bè chôn cất những con thú cưng mà họ yêu quý.
Thấy nhiều người cùng có tình yêu động vật giống mình, ông Sinh nảy ý tưởng xây nghĩa trang cho chó mèo chết. Đến năm 2000, dịch vụ chôn cất này được nhiều người ở Hà Nội biết đến. Nghĩa trang chó mèo của ông Sinh từ đó trở thành nơi đầu tiên ở Việt Nam cung cấp dịch vụ mai táng, chôn cất, cầu siêu, phóng sinh... dành cho thú cưng.
Tính đến nay, số chó mèo được chôn cất ở đây lên đến hàng nghìn con. Ông Sinh cũng đổi tên nghĩa trang thành chùa Tề Đồng Vật Ngã.
“Tề Đồng Vật Ngã nghĩa là người và động vật đều bình đẳng như nhau. Đạo Phật có quan niệm luân hồi, mỗi khi giết con chó, con mèo hay con gà, ta thường nghĩ đó là hóa kiếp cho nó. Vậy nên, con vật cũng cần được chôn cất và cầu siêu như con người.
Nhiều người nói tôi và những người đến chôn chó mèo bị khùng điên, cho là “phú quý sinh lễ nghĩa”, “mê tín dị đoan”,... Nhưng thực tế, các nước khác đã có mô hình này và đi trước chúng ta hàng chục năm. Tôi chỉ là tham khảo mô hình đó và đưa về Việt Nam, biến tấu sao cho phù hợp với tín ngưỡng của người Việt”, ông chia sẻ.
Khi mới đưa mô hình này về, ông Sinh bị gia đình và người thân phản đối gay gắt, hàng xóm xung quanh cũng dị nghị “lời ra tiếng vào”.
“Làm những cái mới thì không tránh khỏi sự hiểu nhầm. Nhưng nếu hiểu đơn giản thì tôi cũng chỉ là đang chăm sóc chó mèo, thay vì chăm sóc thú cưng còn sống, tôi chăm sóc linh hồn của chúng. Nếu không có cái tâm thương yêu động vật thì tôi không thể duy trì nghĩa trang này suốt hàng chục năm qua”, ông Sinh nói.
“Bước vào đau khổ, bước ra nhẹ nhõm”
Chiều 25/5, khu nghĩa trang chó mèo của ông Sinh tấp nập các lượt khách. Họ đến để nhờ ông Sinh làm lễ chôn cất thú cưng và làm lễ cầu siêu.
Cô Thu Hằng (67 tuổi, ở Hào Nam, Đống Đa) cũng đến đây đưa tiễn chú mèo lai tên Bông, nuôi 16 năm. Đây là chú mèo thứ hai cô mang đến chùa Tề Đồng Vật Ngã hỏa thiêu và chôn cất. Trước lò hỏa thiêu, cô Hằng không kìm được nước mắt vì coi chú mèo này như con của mình.
“16 năm nuôi Bông, tôi chăm bẵm cho nó ăn uống cẩn thận, chưa ốm lần nào. Vậy mà đợt này nó già quá rồi, cho đi bệnh viện nhưng bị trả về sau 6 ngày truyền, tiêm, xét nghiệm. Những ngày cuối, Bông vật vã vì đau đớn, tôi thấy xót xa lắm. Khi nó mất, tôi mang con đến đây để hỏa thiêu rồi làm lễ, mong cho nó không còn đau đớn và được siêu thoát. Ở đây được nương nhờ cửa Phật lại được nghe tụng kinh hằng ngày nên tôi cũng yên tâm, bớt lo lắng phần nào”, cô Hằng nói.
Nhiều người giống cô Hằng đến đây mai táng và cầu siêu cho thú cưng. Họ hầu hết cho rằng việc này sẽ khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn vì “đã làm trọn vẹn nhất có thể” cho thú cưng của mình.
Khi xác thú cưng được mang đến chùa Tề Đồng Vật Ngã, ông Bảo Sinh sẽ làm lễ nhập quan, khâm liệm cho thú cưng rồi đưa đi hỏa táng. Từ nhà khâm liệm ra nơi hỏa táng khoảng 10 mét, có 3 nhân viên đi trước để đẩy xe tang, gõ chuông mõ và trống, theo sau là chủ vật nuôi.
Hai chiếc lò thiêu xác được đặt cạnh khu “bia mộ” của thú cưng. Nhân viên sau đó nhấc xác chó mèo từ xe tang đặt lên lò, thiêu bằng củi và cồn. Thú cưng càng nhỏ thì thiêu càng nhanh, nếu to sẽ mất khoảng 4 - 6 tiếng. Chi phí hỏa thiêu dựa vào cân nặng của thú cưng và yêu cầu về thời gian, giá từ 1 triệu - 4 triệu đồng.
Khi mèo Bông cho vào lò hỏa thiêu, cô Hằng tranh thủ sang thăm di ảnh của chú mèo mình chôn cất ở nghĩa trang này cách đây 5 năm rồi ngồi chờ tại sân chùa. Gần 2 tiếng sau, cô Hằng ra nhận hũ đựng tro cốt của mèo Bông.
Tro cốt của thú cưng được giã vụn và cho vào lọ rồi mang vào nhà thờ làm lễ cầu siêu. Những lời kinh cầu siêu cho chó mèo được ông Bảo Sinh sáng tác bằng văn thơ, dựa theo đức tin vào đạo Phật.
Sau lễ cầu siêu, chủ nhân của thú cưng sẽ lựa chọn các hình thức chôn cất. Nếu chọn thủy táng thì sẽ rải tro cốt và cánh hoa tươi xuống hồ nhỏ, nơi có tượng Bồ tát.
Nếu lưu mộ tầng (giữ tro cốt trong mộ tầng tập thể) hoặc lưu địa táng (giữ tro cốt trong mộ riêng, đặt dưới đất) thì phải trả phí cao hơn, từ 12 triệu đến 18 triệu đồng.
Nhiều chủ nhân chấp nhận trả thêm một mức phí để đặt di ảnh thú cưng ở nhà vong, ngôi nhà thờ được xây dựng trên gốc cây đa trăm năm tuổi. Việc lưu di ảnh tại đây nhằm phục vụ nghi thức cúng 49 ngày và 100 ngày.
“Những người đến đây đều coi vật nuôi như người thân trong gia đình, họ mang theo xác thú cưng, bước vào cổng với niềm đau khổ và những giọt nước mắt luyến tiếc. Việc của tôi là làm sao để khi bước ra, họ có thể mang về lòng thanh thản, bớt lo nghĩ. Nếu ai quá đau lòng, tôi sẽ dùng những câu chuyện để nói cho họ hiểu rõ về quy luật sinh lão bệnh tử”, ông Sinh nói.
Nhiều kỷ lục Guinness
Ông Sinh không chỉ nổi tiếng có nghĩa trang chăm sóc linh hồn chó mèo, trước đây, ông có một “cơ ngơi thú cưng bạc tỷ”. Khi còn trẻ, ông dành 100m2 để xây dựng “khách sạn” cho hàng trăm chú chó mèo lớn nhỏ.
"Khách sạn" chó mèo của ông đủ tiêu chuẩn “5 sao”, trong khu nhà cao 5 tầng có thang máy, điều hòa, hồ bơi, đường dắt chó đi dạo và nhiều tiện nghi khác như con người sinh sống. Ngoài ra, khách sạn còn có rất nhiều dịch vụ khác như massage, karaoke...
Ông Sinh phải tuyển đến chục nhân viên phục vụ. Với chất lượng “5 sao”, khách sạn chó mèo của ông luôn là nơi gửi gắm của nhiều chủ nhân bận rộn, thường đi công tác xa, đặc biệt là người nước ngoài.
Khi không còn sức lực để chăm sóc "phần thân” chó mèo, ông chuyển sang “phần tâm”. Chính vì thế, mô hình nghĩa trang dành cho thú cưng ra đời và hoạt động đến nay.
Đứng trước cửa chùa, ông Sinh không khỏi tự hào về những “thành tích” gắn với kỷ lục Guinness được đóng khung kính, treo trước cửa: “Khách sạn dành cho chó mèo cảnh đầu tiên tại Việt Nam”, “Nghĩa trang, chùa dành riêng cho thú cưng đầu tiên tại Việt Nam”, “Nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu chó mèo cảnh đầu tiên ở Việt Nam”,...
Ông nói, có lẽ kiếp trước có duyên với chó mèo nên kiếp này mới yêu thương chúng như vậy. Không chỉ yêu thương khi còn sống, ông Sinh dự định sẽ nằm cạnh chó mèo sau khi mình mất.
“Tôi để trống một vài mét vuông đất trong chùa, bên cạnh bia mộ của những chú chó mèo, phòng khi qua đời sẽ yên nghỉ ở nơi này. Nhiều người bảo tôi dị, lạ, sao lại chôn cùng chó mèo. Nhưng nếu bạn coi chó mèo là bạn, là người thân và dành tình yêu cho chúng thì sẽ hiểu được sao tôi lại làm vậy”, chủ resort nói và cho biết đã rút ra được nhiều triết lý từ chó mèo.
Triết lý này không phải quá cao siêu, nó rất đời thường như giáo dục con người về tình yêu thương, nhân cách sống, cũng như sự tử tế.
“Đi gần hết cuộc đời, tôi thấy phần lớn người yêu chó mèo, yêu cây hoa, thường có trái tim nhân hậu. Một đứa trẻ biết yêu thương, chăm sóc con chó thì tại sao chúng lại có thể đánh bạn, đánh đập cha mẹ hay phạm tội ác? Chính vì thế, tôi mới nhận ra rằng chó mèo giúp khơi dậy trong ta lòng yêu thương và giáo dục con người về sự tử tế, nhân hậu”, ông Sinh chia sẻ.