23 năm trời vừa đưa con đi chữa bệnh bại não vừa bám trụ chuồng heo để kiếm tiền xoay viện phí, người phụ nữ còn phải vượt qua cả những cay độc của miệng đời.
- Xót xa cảnh người vô gia cư trùm chăn ngủ vỉa hè trong cái lạnh thấu xương giữa đêm đông Hà Nội
- Góc xót xa: Bé gái 1 tuần tuổi tím tái vì bị cặp nam nữ bỏ rơi trong đêm rét căm căm
"Nhiều người nói xấu lắm, nói điều trị không hết được đâu, sớm muộn nó cũng chết. Nhưng tôi mặc kệ, cứ còn nước còn tát. Vì nó là con của mình mà...".
Chị Võ Thị Hằng (49 tuổi, quê Nghệ An) kể khi đang ngồi đợi con trai Nguyễn Anh Tuấn (23 tuổi) đến lượt khám bệnh. Ngần ấy tuổi đầu nhưng chàng thanh niên chỉ như một đứa trẻ to xác. Lâu lâu, nước bọt từ con trai lại nhỏ xuống tay người mẹ nghèo.
Rời quê vào Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sống từ năm 1992, 4 năm sau vợ chồng chị Hằng sinh con trai đầu lòng.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, Tuấn bị ngạt trong lúc sinh dẫn đến bại não.
Hai năm sau trong một lần đi kéo lưới, chồng bà Hằng bị đuối nước vĩnh viễn ra đi, để lại vợ khờ con mọn. Nuốt đắng cay, chị Hằng gượng sống vì con.
Từ chỗ làm mướn đủ thứ nghề, mẹ đơn thân chọn nuôi heo tại nhà để có thu nhập ổn định và thời gian đưa con đi chữa bệnh.
Ròng rã 23 năm trời, chị Hằng không còn nhớ rõ đã từng đi qua những bệnh nào.
"Tôi cứ nghe ai nói chỗ nào cò bác sĩ tốt là đi. Đầu tiên là ở bệnh viện (BV) tỉnh, Trung tâm vật lý trị liệu tỉnh rồi BV Quy Nhơn (Bình Định), BV Hà Tĩnh để bấm huyệt cho con.
Tôi cũng có vào Sài Gòn đi BV Hòa Hảo, BV Phục hồi chức năng, BV Đại học Y Dược TP.BCM. Tiền chữa trị nhiều lắm rồi giờ nhớ không hết. Cứ đi khoảng 1 tháng rồi về lại làm kiếm tiền. Chuồng heo thì nhờ người trông hộ khi nào vắng nhà" - chị Hằng kể.
Biết hoàn cảnh của hai mẹ con, chính quyền địa phương đã đưa gia đình chị Hằng vào diện hộ nghèo và trợ cấp tiền hàng tháng cho Tuấn.
Tháng 1/2018, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Khánh Hòa và Bộ đội biên phòng địa phương tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc từ thiện và tặng quà cho người dân. Con chị Hằng có tên trong danh sách được hỗ trợ.
Dìu con đến nơi diễn ra chương trình từ sớm, chị Hằng tâm sự nhờ điều trị lâu nay, Tuấn đã có cải thiện chút ít, hiểu mẹ nói gì và có trả lời bằng giọng ngọng ngịu. Nhưng bấy nhiêu đó chẳng thấm tháp vào đâu so với hi vọng bao năm của người mẹ.
"Bác sĩ khám cho con tôi nhưng nói phải đi BV tuyến trên để theo dõi cụ thể trước kho đưa ra hướng điều trị vì bệnh đã lâu. Giờ họ cho con tôi thuốc bổ để tăng sức khỏe thôi. Tôi chỉ mong con tôi có thể tự đi lại được như người ta. Giờ tôi còn khỏe còn lo được, lỡ như mẹ chết thì nó không biết tính sao" - chị Hằng trầm ngâm.
Hỏi đợt bão vừa qua nhà có ảnh hưởng gì không, chị Hằng mỉm cười bảo chỉ trôi mất mớ gà. Nó không đáng kể là bao so với những năm trước, khi bão thổi bay cái chuồng heo - kế mưu sinh của mẹ con chị.
Nỗi đau con bệnh bao nhiêu năm qua chị còn chịu đựng được, thì mất mát trên có là gì.
Cũng chịu ảnh hưởng của đợt bão số 9 hồi cuối năm 2018, chị Trương Thị Kỳ Út (27 tuổi, xã Phước Đồng) dẫn mẹ chồng đi khám chia sẻ: "Nhà tôi ngập tới cẳng chân, sập mất la phông và mái tôn. Chồng tôi làm biển quanh năm nên hôm nay tôi dẫn mẹ già 75 tuổi đến khám. Chỉ mong định kỳ có đoàn bác sĩ Sài Gòn đến đây để hỗ trợ cho bà con, nhất là người già ít có cơ hội đi xa".
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội thầy thuốc TP.HCM, Phó Giám đốc Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) cho biết, ngày hội Vì sức khỏe cộng đồng lần này nhằm hỗ trợ cho bà con không có điều kiện thăm khám thường xuyên, cũng như người dân ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão cuối năm qua có cơ hội kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.
15 y, bác sĩ thuộc các chuyên khoa Ngoại Chẩn đoán hình ảnh, Thận - Nội tiết, Tim mạch đã vượt đường sá xa xôi từ TP.HCM đến tận tỉnh Khánh Hòa để mang các trang thiết bị và 22 thùng thuốc đến cho bà con.
Có tổng cộng 1.000 người dân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang - nơi chịu nhiều mất mát trong đợt bão số 9 được thăm khám và tặng quà. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 700 triệu đồng.