Nhiều người vẫn phải thốt lên rằng "tiền như bốc hơi" vì chỉ có mấy ngày Tết nhưng "bay" đến 2-3 tháng lương. Có người thậm chí còn có tâm lý "sợ Tết" vì có quá nhiều khoản lặt vặt cần lo.
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
- Vì sao không lập một phương án nghỉ Tết Nguyên đán cố định cho các năm?
Gần đến dịp cuối năm, câu chuyện mua sắm và biếu Tết lại được nhiều chị em nội trợ quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm, nhiều bà nội trợ phải đau đầu tính toán, liệt kê cụ thể từng khoản để có mức chi tiêu hợp lý nhất.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn phải thốt lên rằng "tiền như bốc hơi" vì chỉ có mấy ngày Tết nhưng "bay" đến 2-3 tháng lương. Có người thậm chí còn có tâm lý "sợ Tết" vì có quá nhiều khoản lặt vặt cần lo.
Dẫn tin từ Dân Trí, chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi) nhân viên một công ty dược phẩm (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Tết là tháng gia đình chị phải chi tiêu nhiều nhất trong năm. Trung bình, chị sẽ chi khoảng 35 triệu đồng cho dịp Tết.
Các khoản cần chi bao gồm biếu bố mẹ đôi bên 10 triệu đồng; mừng tuổi họ hàng, các em, các cháu 5 triệu đồng; mua quà biếu Tết 5 triệu đồng; mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả 5 triệu đồng; mua quần áo mới cho gia đình nhỏ 3 người 5 triệu đồng; tiền thuê xe về quê và chi phí phát sinh 5 triệu đồng.
Thu nhập của chị Thúy trung bình là 13 triệu đồng/tháng. Những năm trước, chị thường dùng tiền lương và khoản thưởng cuối năm khoảng hơn 10 triệu đồng để tiêu Tết. Số tiền này không đủ, chị phải lấy một nửa lương của chồng để bù vào.
Chị Thúy thở dài: "Thu nhập không tăng nhưng Tết đến vẫn phải chi tiêu từng ấy khoản. Năm nay, tôi tính lương của cả hai vợ chồng cộng lại cũng chẳng đủ tiêu mấy ngày Tết. Chúng tôi lại lấy tiền tiết kiệm ra bù vào".
Hay như câu chuyện của nàng dâu 9x - Thùy Linh (28 tuổi, Hà Nội) cũng là nỗi lo của không ít chị em dịp cận kề đón Tết Nguyên đán.
Theo Tạp chí Phụ nữ mới, hiện tại, Thùy Linh và chồng đang sinh sống, làm việc ở Hà Nội. Cặp vợ chồng trẻ dự định sẽ cúng ông Công - ông Táo tại nhà riêng ở Hà Nội, cúng tất niên sớm vào ngày 29 tháng Chạp, rồi 2 vợ chồng sẽ cùng con về nhà nội, ở tới mùng 2 Tết thì cả gia đình sẽ về bên ngoại. Mùng 5 Tết, gia đình Thùy Linh sẽ từ quê ngoại ra Hà Nội, làm mâm cúng hóa vàng tại nhà riêng.
Thoạt nghe, lịch trình như vậy có vẻ chẳng hề tốn kém, nhưng khi viết ra những đầu mục, những khoản cần chi, nàng dâu 9x này mới "ngã ngửa".
Hiện tại, nguồn thu nhập chính của Thùy Linh đến từ công việc kinh doanh online, với mặt hàng chính là thời trang nữ dành cho các bạn trẻ. Ai cũng biết gần Tết hay các dịp lễ lớn, nhu cầu mua sắm quần áo của mọi người lại tăng cao.
Buôn bán nói chung hay kinh doanh online nói riêng, thời điểm ra đơn nhiều nhất chính là những ngày cận lễ. Muốn kiếm được lời lãi, chỉ có nước "cắm mặt" vào điện thoại, laptop, hết tư vấn cho khách rồi lên đơn gửi cho đơn vị vận chuyển, để còn kịp giao tới người mua, chứ làm gì có mắt nào mà lo việc khác.
Cũng chính bởi lý do này mà Thùy Linh gần như không thể tự tay chuẩn bị mâm cúng ông Công - ông Táo hay mâm cúng tất niên.
"Thật ra với mình, việc tự chuẩn bị mâm cúng cho ngày 23 và 30 tháng Chạp cũng không rẻ hơn là bao so với việc đặt mâm cúng bán sẵn. Tính kỹ ra thì còn lỗ ấy chứ, vì nếu lao vào bếp làm đồ cúng, mình sẽ lỡ mất nhiều đơn hàng. Bản thân mình buôn bán nhỏ lẻ nên toàn một mình làm hết chứ làm gì có tiền thuê nhân viên" - Thùy Linh chia sẻ.
Ông xã gần như cũng không thể giúp Thùy Linh trong việc buôn bán hay chuẩn bị mâm cúng trong dịp Tết vì anh là bác sĩ, không phải trực Tết để về quê ăn Tết cùng vợ con, gia đình là mừng rồi.
"Nhà chồng mình ở Hải Dương, còn nhà ngoại mình thì ở Bắc Giang. Riêng tiền thuê xe di chuyển từ Hà Nội về bên nội, bên ngoại rồi quay trở lại Hà Nội cũng đã mất 4 triệu bạc, mà đấy là mình còn phải đặt trước 1 tháng, chỗ người quen chứ không còn đắt nữa. Nhà mình có em bé mới được 28 tháng nên không thể đi xe máy quãng đường xa như vậy được" - Thùy Linh kể.
Nhìn lại bảng dự trù những khoản cần chi cho cái Tết sắp tới, Thùy Linh chỉ biết thở dài: "Chưa tính tiền làm tóc, làm móng hay mua đồ cho bản thân, cho chồng con mà con số đã lên tới 23 triệu đồng rồi. Mình thẫn thờ ngồi nhìn 6 đầu mục này mãi, vẫn không thể tìm ra kẽ hở nào mà cắt giảm được cơ".
Sau khi bàn bạc với chồng, Thùy Linh quyết định sẽ giữ nguyên tiền biếu Tết ông bà nội, ông bà ngoại. Khoản tiền duy nhất có thể cắt giảm chính là tiền mừng tuổi.
"Hai vợ chồng đi làm cả năm, chẳng lẽ không biếu ông bà hai bên được 5 triệu. Năm nay kinh tế khó khăn, đành giảm tiền mừng tuổi các cháu đi vậy. Mình sẽ chỉ đút tiền 10 nghìn vào bao lì xì thôi, cháu chắt hay con bạn bè, người quen cũng đều vậy cả.
Tiền lì xì chỉ được giới hạn trong 3 triệu. So với dự tính ban đầu là dành 5 triệu cho tiền lì xì, giờ mình có dư 2 triệu để làm tóc và mua đồ cho mình, cho con diện Tết" - Thùy Linh chia sẻ.
Vậy là sau khi cân đối lại, Thùy Linh cũng có một khoản nhỏ để làm đẹp cho bản thân và sắm đồ cho riêng 2 mẹ con. Tuy nhiên, tổng số tiền mà vợ chồng Thùy Linh cần chi cho Tết Nguyên dán 2024 vẫn gần 23 triệu đồng, không giảm.
Trái ngược với những nỗi lo này, chia sẻ trên báo Lao Động, Bảo Chấn (26 tuổi, Sơn La) lại có quan điểm "coi Tết như một chuyến nghỉ dưỡng". Nhiều người sợ Tết bởi nỗi lo về kinh tế và hàng trăm công việc không tên, nhất là dọn dẹp và nấu nướng. Chấn cho rằng, không nên tự đặt ra những áp lực cho mình mà coi nó như một kỳ nghỉ để tận hưởng.
Khái niệm chi tiêu hợp lý tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình, có người coi 5 triệu là hợp lý nhưng đối với những người thu nhập cao thì tiêu 25, 30 thậm chí 50 triệu đồng cho một cái Tết là bình thường.
“Mỗi người phải tự lên kế hoạch chi tiêu cho mình. Suy nghĩ làm lụng cả năm để chi tiêu trong 3 ngày Tết, hay cả năm mới có một cái Tết nên cứ tiêu thoải mái đã khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng “cháy túi".
Không nên “đua đòi" thấy hàng xóm mua quất, mua đào mình cũng mua theo, thấy người ta đi du lịch mình cũng phải đi cho bằng được, trong khi khả năng tài chính của mình không đủ chi trả. Đến khi ra Tết lại phải chạy vạy, vay mượn để có tiền sinh hoạt. Thực tế nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh như vậy nên việc tiêu tiền ngày Tết hợp lý rất quan trọng” - anh Chấn nêu quan điểm.