Sau khi nhà nước ban hành Chỉ thị 16 để đề phòng dịch Covid-19, một người ở chung cư đã đặt ra câu hỏi này và mong được giải đáp.
- Bất chấp dịch Covid-19, thanh niên cơ bắp ‘nhún nhún’ ngoài đường thập thể dục, người dân ngán ngẩm ‘phạt 3 triệu cho chừa’
- Các "độc chiêu" lừa đảo trong mùa dịch Covid-19 người dân TP.HCM cần biết đề phòng
Khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì người dân nên tuân thủ quy tắc 5K và chấp hành Chỉ thị 16 ở khu vực được ban hành. Trước đó, khi nhà nước ban hành Chỉ thị 16, nhiều người dân thắc mắc liệu khi qua nhà hàng xóm chơi có bị phạt không.
Cụ thể, theo Zing News, chị G. đặt câu hỏi: "Tôi sống tại một chung cư ở TP.HCM. Ngày 9/7, TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tôi thắc mắc trường hợp tôi muốn qua nhà hàng xóm chơi hoặc nhờ giải quyết, giúp đỡ công việc thì có vi phạm Chỉ thị 16 không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?".
Để trả lời vấn đề này, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty luật Công Bình) chia sẻ nguyên văn trên Zing News như sau: "Trong Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng tại TP.HCM quy định: Thực hiện cách ly toàn xã hội trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, quận, huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận, huyện và TP Thủ Đức.
Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Nếu bạn qua nhà hàng xóm chơi, nhờ giúp đỡ giải quyết công việc là chưa cần thiết và có dấu hiệu vi phạm việc không thực hiện bảo vệ cá nhân về phòng chống dịch bệnh và hạn chế tập trung đông người, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020 của Thủ tướng.
Trường hợp bạn đi ra ngoài để đến nhà bạn bè, hàng xóm mà không mang khẩu trang sẽ bị xử phạt sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Trường hợp bạn qua nhà hàng xóm mà tập trung quá 2 người không có lý do cần thiết, chính đáng thì có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng/người.
Nếu công việc cần trợ giúp có thể giải quyết mà mà không cần gặp trực tiếp, bạn nên sử dụng điện thoại liên lạc. Trường hợp phải giải quyết những việc thật sự cần thiết như sửa chữa điện, nước do hư hỏng nặng, sửa chữa mái nhà, chống dột nặng đang mùa mưa… thì bạn có thể nhờ bạn bè, hàng xóm đến giúp nhưng phải tuân thủ biện pháp 5K phòng chống dịch của Bộ Y tế".
Vài ngày vừa qua, nhiều trường hợp người dân đã bị xử phạt khi cố tình vi phạm chỉ thị 16 đang được thực hiện tại TP.HCM. Cụ thể, theo VTC News, ngày 9/7, tổ công tác UBND phường 9, quận Phú Nhuận kiểm tra việc người dân chấp hành quy định giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 trên địa bàn. Tại công viên Gia Định, tổ xử lý của quận Phú Nhuận phối hợp UBND phường 9 đã lập biên bản, xử phạt 3 người, mỗi người 2 triệu đồng vì tập thể dục trong công viên Gia Định.
Còn theo Báo Lao Động, UBND phường An Phú, TP Thủ Đức cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nam thanh niên không đeo khẩu trang, vô tư đứng tập thể dục tại Công viên Cao Đức Lân với số tiền 4 triệu đồng về 2 lỗi: không đeo khẩu trang và ra đường khi không thật sự cần thiết.
Sau đây là một số nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19:
- Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
- Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác;
- Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
- Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
- Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
- Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg (trong đó có nội dung "Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu").