Chiều 27-3, Vì Quyết Chiến (13 tuổi) vẫn khóc khi nhắc đến mẹ và em trai đang điều trị ở Hà Nội. Em kể trên suốt quãng đường từ Sơn La xuống Hà Nội chỉ nghĩ đến người thân là em không thấy đói, khát.
- Cậu bé 13 tuổi đạp xe hơn 100km từ Tây Bắc về Hà Nội thăm em
- Chồng chuyển khoản 1,3 tỷ đồng tặng vợ ngày Valentine vì 'anh thương em'
"Quãng đường đi xa, nóng, vất vả nhưng nhớ đến em, nhớ đến bố mẹ thì em đạp. Đường đi không có ăn, không có nước uống nhưng nhớ đến em, em không đói, không khát”
Vì Quyết Chiến
Trong căn nhà của ông nội, chiều 27-3 có rất đông hàng xóm láng giềng đến hỏi thăm Vì Quyết Chiến (13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Chiềng Yên (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), khi biết đến hành trình vượt hơn 103km từ Tây Bắc xuống Hà Nội để thăm em trai. Trên chiếc xe đạp mất phanh, bụng rỗng, họng khát khô nhưng Chiến nói "chẳng mệt, chỉ muốn gặp em".
"Nhớ đến em trai, không đói, không khát"
Trưa 25-3, tan trường, Vì Quyết Chiến đạp xe về nhà, cất vội chiếc cặp, Chiến nói với ông nội Vì Văn Sơn: "Hôm nay trường con có tập thể dục, con đi tập nhé". Cậu bé ăn vội miếng xoài là đạp xe đi ngay. Ông Sơn không biết trưa hôm đó đứa cháu nói dối.
Đầu trần, Chiến mặc chiếc áo mỏng, đạp chiếc xe đạp cà tàng là món quà mà người bác mới tặng. Chiếc xe không phanh, không gác đèo, không chuông xe, Chiến biết nhưng chẳng còn phương tiện nào khác. "Mình phải đi thăm em, không để mọi người biết", Chiến kể lại suy nghĩ khi đó của em.
Không chọn băng qua khu rừng già Chiềng Yên như mọi khi vì sợ người quen nhìn thấy, hôm đó Chiến chọn băng qua bản Bướt (xã Chiềng Yên) đi đường quốc lộ 81 cũ - là một nhánh đường để đi ra quốc lộ 6. Từ quốc lộ 6, cậu bé 13 tuổi biết sẽ có đường đi xuống Hà Nội.
"Em đi học về, nghe ông bảo em trai ốm nặng, em nhớ em trai nên xuống thăm. Em chưa được đi thăm em lần nào. Em đọc biển báo ven đường, có đoạn dốc mệt quá thì em dắt, đoạn nào đi được thì em đạp xe. Đường đi xa, nóng, vất vả, nhưng nhớ đến em, nhớ đến bố mẹ thì em đạp. Không có gì ăn, nước uống, nhưng nhớ đến em, em không đói, không khát", Chiến kể với Tuổi Trẻ Online.
Trên đường gặp chú công nhân, gặp bác nông dân đi lấy cỏ, lấy nước cho bò, Chiến hỏi đường đi xuống Hà Nội. Nhìn thấy xe tai nạn, thoáng sợ nhưng Chiến bình tâm lại và đạp xe đi tiếp. Hơn 6 tiếng sau, đến địa phận tỉnh Hòa Bình, cậu bé đói lả. May mắn thay, hành trình của em được tiếp sức nhờ những tấm lòng tốt.
Thấy cậu bé người nhỏ thó một mình lọc cọc đạp chiếc xe trên đường tối mịt, các bác tài xế vây quanh hỏi. Khi Chiến nói: "Xuống Hà Nội thăm em", có người nghi ngại nói Chiến bỏ nhà ra đi. Nhưng em đọc số điện thoại của mẹ, họ biết đó là hành trình của trái tim người anh dành cho em trai.
Các tài xế cho ăn uống, gọi cho bố Chiến để báo tin và đưa Chiến cùng chiếc xe đạp về Hà Nội, trước khi gửi Chiến cho bố em vào sáng ngày 26-3.
"Gặp được em trai, em xúc động hạnh phúc, mong em khỏi bệnh về đi chăn bò với anh", cậu bé bật khóc khi nhớ lại lần đầu tiên được gặp em trai.
Cậu bé giàu tình cảm
Trong căn nhà sàn, ông Vì Văn Sơn (74 tuổi, ông nội của Chiến) nghẹn lời mỗi lần nghĩ đến câu chuyện của đứa cháu trai. "Thằng bé biết nghĩ, linh hoạt, rất tình cảm nhưng không hay nói ra", ông Sơn tâm tình.
Bố mẹ đi chăm em ở viện, Chiến cùng em gái ở nhà với ông bà. Ông kể hôm đó con trai ông - anh Vì Văn Nam - gọi điện về báo tin, Chiến ngồi kế bên nghe được, nằm sấp ở ghế mà khóc vì sợ em trai gặp chuyện không hay. Ông nhận ra cháu trai "hơi khác tính".
Người cựu chiến binh không ngờ ngày hôm đó cháu trai lại rời bản làng. Chiến chưa từng xuống Hà Nội. Nơi xa nhất em được đi là lên huyện Mộc Châu thăm ông bà ngoại.
"Bây giờ tôi vẫn run. Tối qua, cháu kể "Không có chỗ ngủ thì ngủ cống ông ạ". Tôi không cầm được nước mắt. May cháu an toàn về với bố mẹ rồi, nếu không thì ông chẳng biết tìm nó ở đâu. Thằng bé không có giấy tờ tùy thân, điện thoại, quần áo mỏng, đầu trần", ông Sơn bật khóc.
Ngồi cạnh ông nội, Vì Quyết Chiến kể hành trình xuống Hà Nội gặp nhiều ngã ba, ngã tư. Em đọc biển báo để đi tiếp, thấy xe khách có biển Mỹ Đình - Sơn La thì đi theo. Chiến nhớ lời ông căn dặn: "Phải đi bên phải, đi đúng đường đúng lối, đi ngã ba phải xem trước, xem sau mới đi, có đèn giao thông thì quan sát".
Tối 25-3, nhận được điện thoại báo tin con trai đang ở Mỹ Đình, anh Vì Văn Nam (32 tuổi) bàng hoàng. "May mắn của gia đình là cháu không bị làm sao là tôi mừng rồi", ánh mắt người cha rưng rưng khi kể lại.
Đưa Chiến đến thăm em, thăm mẹ xong, hai bố con khăn gói về lại bản làng. Thương con trai lớn, nhưng đứa bé út vẫn đang ở viện khiến lòng anh như lửa đốt. Đã hơn một ngày trôi qua, bố con vẫn chưa kịp tâm sự, anh lại chuẩn bị khăn gói xuống Hà Nội với vợ con. Trước khi đi, anh lại dặn dò Chiến: "Con ở nhà nghe lời ông bà, cho bố mẹ chăm em".
Lần này, cậu bé 13 tuổi nói được thăm em trai rồi, không mệt nữa. "Nếu nhớ em quá, em sẽ bảo bố chụp ảnh gửi cho em xem", Chiến quả quyết.
Nhân lên những tấm lòng tốt
Ở viện, chị Hà Thị Sâm (mẹ em Chiến) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại cuộc gọi của bác tài xế: "Người ta hỏi: "Có phải chị Sâm không? Có con tên Vì Quyết Chiến học lớp 7 không? Tôi nói đúng ạ.
Anh ấy nói: "Chị bình tĩnh nhé, cháu Chiến đi xe đạp ở tỉnh Hòa Bình, hỏi cháu đi đâu thì cháu nói cho cháu xuống bến xe Mỹ Đình để xuống được Bệnh viện Nhi Trung ương thăm em". Tôi hoảng hốt.
May có các bác tài thương cho cháu đi xuống, gọi bố lên đón cháu ở bến xe Mỹ Đình".
Hai tháng qua, chị Sâm chưa về nhà, lòng như lửa đốt. Nay thấy con trai cả xuống thăm em, chị khóc, Chiến cũng khóc, nhưng không dám khóc to. Sức khỏe Chiến cũng không tốt, chị nói sau đợt này hai vợ chồng bàn nhau sẽ cho Chiến xuống viện khám.
Anh Lê Công Huy là hành khách trên chuyến xe tiếp nối hành trình trái tim của cậu bé 13 tuổi. Anh là người quay lại clip về cậu bé người Thái xuống Hà Nội thăm em.
Đoạn video này được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Online sáng 27-3. Biết tin chúng tôi lên thăm cháu, anh nhờ chúng tôi trao lại tận tay gia đình số tiền nhuận bút 1 triệu đồng để giúp đỡ gia đình.
Cũng trong sáng nay, có nhiều nhà hảo tâm gọi điện đến ngỏ ý giúp đỡ, có nhà hảo tâm đã đề nghị được tặng bé Vì Quyết Chiến chiếc xe đạp mới.