Giữa thành phố hoa lệ, đâu đó vẫn có những gia đình hằng ngày chịu cảnh “nước mắt chan cơm” vì cuộc sống khó khăn, đói nghèo. Trong căn nhà cũ kỹ tại chung cư Ấn Quang (quận 10), ông Nguyễn Văn Phải (SN 1949) gạt nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh trớ trêu của gia đình.
- Chuyên gia trang điểm người Việt tử vong ở Thái Lan: Xót xa không khí tang tóc ở quê nhà, cái chết tức tưởi trên đất khách chưa có lời giải
- Tin mới vụ hai cô gái trong tiệm massage bị chém trọng thương: Nghi mâu thuẫn tình cảm, hung thủ có biểu hiện bất thường
Theo thông tin từ Tạp chí Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Phải năm nay đã 75 tuổi nhưng để có được cơm ngày 3 bữa, lo cho vợ con, ông phải lang thang khắp nơi để mưu sinh, từ lượm ve chai, giúp việc đến xin cơm gạo từ thiện. Gánh nặng trụ cột gia đình đè nặng lên đôi vai của ông Phải từ nhiều năm nay, nhất là bệnh tình của đứa con gái ngày một nặng.
Sau khi gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với bà Dung, ông bà có với nhau tất cả 3 người con (2 trai 1 gái), có điều người con gái giữa Mỹ Phương mắc phải chứng tâm thần phân liệt, "lúc tỉnh lúc quên" nên mọi ăn uống, sinh hoạt trong nhà đều do vợ chồng ông Phải phụ giúp.
Nhìn đứa con gái đang thờ thẫn ngồi ở một góc nhà, bà Dung nấc nghẹn: "Hồi nó khoảng năm 16-17 tuổi, nó bị tai nạn giao thông, té xuống đường, cứ tưởng chẳng sao ai ngờ vài năm sau nó đổ bệnh, có biểu hiện lạ hay đau nhức đầu. Lúc đó, vợ chồng tôi đưa con vào bệnh viện thì mới vỡ lẽ, đó là di chứng của tai nạn, rồi bị tâm thần phân liệt".
Ngoài đứa con gái giữa bệnh tật, hiện vợ chồng ông Phải cáng đáng nuôi thêm đứa cháu nội 14 tuổi mồ côi mẹ (cha đi thêm bước nữa), cuộc sống của cặp vợ chồng già càng thêm chồng chất khó khăn. Lúc trước, bà Dung còn khoẻ mạnh, bà làm tạp vụ ở trường học, ông Phải thì chạy xích lô. Dù không quá khá giả nhưng cuộc sống của gia đình ông bà cũng đủ cơm ngày 3 bữa.
Nào ngờ sau một vụ tai nạn, ông Phải bị gãy chân, sức khoẻ từ đó giảm sút, đôi chân cũng không thể đi lại bình thường như trước. "Thời điểm bị tai nạn, ổng cũng đã 70 tuổi, xương khớp không còn cứng cáp. Ban đầu, bác sĩ đề nghị phải băng bột từ mắt cá lên đến đầu gối tưởng chừng đã phải nằm một chỗ. Tuy nhiên, ổng không chịu, phải năn nỉ bác sĩ tìm cách khác để chữa trị. Sau đó, bác sĩ dùng nẹp tre để cố định vết thương, mất vài tháng thì mới bình phục”, bà Dung nhớ lại.
Mỗi ngày, để có tiền trang trải sinh hoạt phí, cứ 5h sáng ông Phải lại ra khỏi nhà, phụ các bếp ăn, ai kêu gì làm đó hoặc xin cơm, gạo từ thiện để lo cho cả gia đình. Thấy hoàn cảnh ông Phải khó khăn, lại tuổi cao sức yếu, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ.
Nhắc đến tình cảm của những người xa lạ dành cho gia đình mình, ông Phải ứa nước mắt: "Nếu không có những mạnh thường quân, gia đình của tôi không biết sống thế nào. Có người cho tiền, có người cho thùng mì, thùng sữa, thực phẩm..., ai cũng động viên, tôi thấy ấm lòng lắm".
Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của người mẹ già 80 tuổi ở ở H.Bình Chánh, TP.HCM cũng khiến nhiều người xót xa.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, bà Đông Man Mười (80 tuổi, tên thường gọi là bà Tư, ở H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn miệt mài dỗ dành đứa con trai không tỉnh táo. Bà mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ nhưng vẫn thường xuyên ngước lên gác xép phòng trọ vì con trai đang ở trên đó. Ông Liêu Cuốn Quốc (44 tuổi) con trai bà dù không còn trẻ nhưng vẫn phải nhờ mẹ chăm bẵm.
Cách đây 14 năm, ông Quốc gặp phải một biến cố lớn trong đời nên mất đi khả năng nhận thức. Người đàn ông không còn tỉnh táo, chỉ trốn trong phòng, gặp người lạ sẽ la hét, rượt đuổi.
Sau nhiều năm đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, bà đành bỏ cuộc vì không đủ chi phí trang trải. Chồng mất đã lâu, một mình bà nuôi nấng, chăm lo đứa con trai kém may mắn.
"Tôi chưa bao giờ đánh con, dù con có lì lợm, la hét thế nào. Lúc bực mình, tôi chỉ dọa là mẹ sẽ bỏ đi. Tôi nói vậy thôi chứ con có thể bỏ mẹ chứ mẹ nào mà bỏ được con", bà Tư nghẹn ngào.
Ông Quốc là con út trong gia đình có 3 anh em. Hai người con trai đầu đã có gia đình riêng nhưng vì cũng chỉ đi làm thuê, làm mướn nên cũng không phụ được mẹ nuôi em.
Đã có lúc, bà Tư muốn lên rẫy trồng cà phê hay làm bà vú cho các gia đình khá giả để có thêm đồng ra, đồng vào. Tuy nhiên, nghĩ lại ngày trước ông Quốc hiền lành, hiếu thảo, bà lại thương ở lại với con đến tận giờ.
Đã lâu lắm rồi, bà Tư không có được một giấc ngủ trọn vẹn. Đêm nào bà cũng khóc vì tủi thân, vì thương đứa con rơi vào hoàn cảnh đó. Bà trằn trọc vì lo sau này bà nhắm mắt, con sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa.
"Tôi sợ khi nghĩ đến cảnh mình đi trước con. Tôi đang tính gửi gắm con ở một ngôi chùa tại Tây Ninh. Nếu tôi có đi trước sẽ nhờ họ chăm lo con phần đời còn lại", bà vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.
Bà Tư cho biết, mỗi ngày ông Quốc thường mất kiểm soát nặng, la hét vào sáng sớm và chiều tối. Rồi cứ đến giờ ăn mà chưa có cơm, ông càng la hét dữ dội hơn nữa. Hàng xóm nhiều người rất khó chịu nhưng nghĩ đến cảnh mẹ già nuôi con, họ cũng cảm thông.
Từ khi trở bệnh, ông Quốc chỉ biết trốn trên gác, chờ mẹ đi lượm ve chai về lấy cơm cho ăn. Có thể ông đã lãng quên cả thế giới nhưng riêng lời mẹ dặn, ông vẫn nhớ như in.
Ông Lại Văn Trước (tổ trưởng tổ 5, ấp 2C, xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) chia sẻ: "Cả tổ ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của mẹ con bà Tư. Mỗi khi có đoàn từ thiện, chúng tôi đều làm phiếu, nhắn bà đi lãnh quà. Tôi cũng rất xúc động trước tình thương bà dành cho con".