Mới đây, loài rắn hoa cổ đỏ được cho là "hiền lành", không làm hại đến con người lại làm tử vong một bé gái 15 tháng tuổi. Rắn hoa cổ đỏ nhờ vào màu sắc bắt mắt khiến nhiều người lơ là cảnh giác với loài động vật nguy hiểm "ngầm" này.
Mới đây, ngày 6/4/2021, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã xác nhận trường hợp bệnh nhi 15 tháng tuổi tử vong do bị rắn hoa cổ đỏ (còn có tên gọi là "rắn hổ lửa, rắn học trò, thậm chí một số người dân còn cho rằng đây là rắn ông bà") cắn, khiến nhiều người cảm thấy rất bất ngờ vì đa số đều cho rằng đây là một loài rắn hiền lành, không có nọc độc và hay vào vườn hoặc nhà dân.
Theo đó, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, rắn hoa cổ đỏ có đầu màu xanh, cổ đỏ, thân nhiều màu sặc sỡ rất đẹp, nên thường được dân gian gọi là rắn hổ lửa, rắn bảy màu, rắn học trò, nữ hoàng bóng đêm... Cũng chính vì vậy, loại rắn này độc nhưng được nhiều học trò thích bởi màu sắc đẹp.
Không những thế nhiều người từng bị loài rắn này cắn nhưng vẫn không có dấu hiệu nguy hiểm hay bất thường gì, nên cho rằng đây là loài rắn vô hại. Thậm chí, nhiều người còn nuôi chúng làm thú cưng trong nhà. Tuy nhiên, đây là con rắn rất đặc biệt, không tự sản xuất ra chất độc mà lấy chất độc từ thức ăn. Thức ăn khoái khẩu là những thức ăn độc, đặc biệt là cóc.
Nếu như ở các loài rắn độc khác có răng nanh tiêm nọc độc mọc ở phía ngoài các răng hàm, dễ dàng tiêm nọc khi cắn thì rắn hoa cổ đỏ lại có răng nanh ẩn sâu phía sau các răng hàm, gây khó khăn cho việc tiêm nọc độc. Khi chỉ bị rắn cắn bên ngoài thì người bị cắn sẽ không "dính" răng bơm nọc. Bệnh nhi nói trên có thể không may đã bị cắn khi con rắn mở to miệng, nên bị bơm nọc vào. Độ nặng của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào.
Ngoài ra, rắn hoa cổ đỏ được ghi nhận là một loài có tính khí vô cùng thất thường. Có những lúc loài rắn này rất hiền lành tuy nhiên có những trường hợp rắn hoa cổ đỏ trở nên hung dữ và sẵn sàng tấn công bất cứ đối tượng nào có ý định xâm phạm chúng. Tuy là một loài rắn độc nhưng hiện nay ngành y các nước trên thế giới vẫn chưa tìm được huyết thanh kháng nọc rắn hoa cổ đỏ.
Vậy nên, rắn hoa cổ đỏ là loài rắn có độc và nguy hiểm, con người không nên lại gần, nuôi hoặc chơi đùa với chúng, đặc biệt đối với trẻ em. Người lớn cũng không nên ăn hay ngâm rượu rắn cổ đỏ bởi nọc độc không biến thể bởi nhiệt, axit, rượu...
Nếu bị rắn hoa cổ đỏ cắn cần đưa gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.