Các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM đã khẩn trương vào cuộc truy xét các đối tượng liên quan đến vụ việc trẻ em quỳ gối, xin ăn giữa đường.
- Cô giáo bàng hoàng phát hiện bé gái 2 tuổi tử vong bất thường sau giờ ngủ trưa ở trường mầm non
- Án mạng đau lòng ở Lâm Đồng: Nhậu say, xích mích gia đình, con trai cầm dao đâm chết bố ruột, làm mẹ bị thương phải nhập viện cấp cứu
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, tối 14/10, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM vẫn đang phối hợp với Công an quận Bình Tân và nhiều đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra vụ trẻ em quỳ gối ăn xin.
Chiều và tối 14/10, nhiều tổ trinh sát của PC02, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bình Tân và nhiều đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các địa điểm hành nghề, nơi thuê trọ tại quận 8 của nhóm người ăn xin. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn làm việc với một số người có liên quan.
Ngã tư Bốn Xã là nơi giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận Tân Phú nên nhóm chăn dắt trẻ ăn xin thường lợi dụng để hoạt động và né tránh sự truy quét của cơ quan chức năng.
Nhóm này gồm nhiều phụ nữ người Campuchia điều hành nhóm trẻ ăn xin là con ruột của họ. Thời gian hoạt động của nhóm này là từ sáng đến tối và thường bán kèm vé số để không bị kiểm tra.
Trước đó, dẫn tin từ báo Dân Trí, theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, công tác phối hợp thu dung trẻ em, người lang thang xin ăn được Sở thực hiện ráo riết nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng này trên đường phố.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), cho biết: "Quan điểm nhất quán của ngành lao động TPHCM lâu nay là tuyên truyền người dân không nên cho tiền người lang thang, trẻ em xin ăn trên đường phố".
Theo bà Kim Thanh, việc cho tiền người ăn xin, làm từ thiện tự phát không đúng cách sẽ làm cho người được trợ giúp ỷ lại, kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác. Ngoài ra, khi cho trẻ em tiền, những đối tượng trục lợi càng quyết tâm đẩy trẻ ra đường nhiều hơn…
Bà Kim Thanh nhấn mạnh: "Có khi, trẻ em phải trả giá cho sự hào phóng của bạn. Khi bạn cho trẻ em ăn xin tiền, thức ăn, quà tặng hay mua bất cứ thứ gì, nghĩa là bạn đang khuyến khích các em tiếp tục công việc này, khuyến khích người lớn đẩy trẻ ra đường làm công việc này".
Ông Trần Đức Tài, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình, cũng cho biết khó khăn lớn nhất của ngành khi thu dung người lang thang xin ăn là họ đều có địa chỉ cư trú rõ ràng ở TPHCM.
Ông Tài chia sẻ: "Khi tổ công tác phát hiện thì người lang thang không xuất trình được giấy tờ. Nhưng khi đưa về phường thì người nhà đem giấy tờ lên để xin về. Sau đó, họ lại xuất hiện ở chỗ cũ, hoặc di chuyển sang chỗ khác để xin".
Bà Kim Thanh cho rằng, người dân có nhiều cách tốt hơn để đồng hành, giúp đỡ các trẻ em xin ăn, người lang thang, nghèo khó thay vì cho tiền, thức ăn… một cách tự phát.
Bà Kim Thanh hướng dẫn người dân phát hiện những hoàn cảnh thực sự khó khăn có thể giới thiệu đến các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân, các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại địa phương…
Hiện Sở LĐ-TB&XH TPHCM đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 1 cơ sở giáo dục và 1 cơ sở đào tạo nghề. Các đơn vị này đang chăm sóc nuôi dưỡng 6.330 người. Trong đó có 850 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.768 người cao tuổi, 4.110 người khuyết tật đặc biệt nặng (bệnh tâm thần là 2.515 người).
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có giấy phép, đang chăm sóc nuôi dưỡng 2.836 trường hợp. Trong đó có 1.574 trẻ em dưới 16 tuổi, 884 người cao tuổi, 151 người khuyết tật và 230 đối tượng khác.