Một bệnh nhân bị chuột cắn nhưng không đến bệnh viện điều trị đúng cách. Hai tuần sau, anh bị nóng, sốt kèm theo hạch nổi ở tay, nách, cổ. Theo kết quả kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán anh nghi bị dịch hạch.
Theo Sức khỏe và Đời sống, một bệnh nhân 38 tuổi phải nhập viện vì sốt cao, rét run, vã mồ hôi, mệt mỏi. Người này cho biết, trước ngày viện 20 ngày, bệnh nhân bị chuột cắn vào mu bàn tay phải. Vết thương bị sưng tấy, đau nhức. Tuy nhiên, người này không đi khám tiêm phòng 1 mũi vắc xin.
Hai tuần tiếp theo, bệnh nhân bị nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ kèm theo đó là sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém. Bệnh nhân đến TTYT Hòa An để khám và điều trị 2 ngày nhưng không đỡ và được chuyển lên BVĐK tỉnh Cao Bằng. Kết quả kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng tại đây cho biết bệnh nhân nghi bị dịch hạch.
Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Yersinia Pestis gây ra, loại vi khuẩn này lưu hành trong quần thể các loài gặm nhấm chủ yếu là chuốt và bọ chét, trong đó chuột được coi là mầm bệnh nguy hiểm. Vi khuẩn này bị chết ở nhiệt độ 550C trong vòng 30 phút, ở 1000C trong vòng 1 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc sát khuẩn thường dùng. Chuột được xem là nguyên nhân chính lây truyền dịch hạch.
Bệnh dịch hạch đặc trưng bởi các hạch bạch huyết bị sưng đau, nổi nhiều ở quanh háng, nách hoặc cổ. Các vết loét trên da trở nên đen, do đó đại dịch hạch ở châu Âu được gọi là Cái chết đen.
Theo các bác sĩ, bệnh nếu phát hiện sớm sẽ điều trị rất dễ dàng với kháng sinh. Tuy nhiên, do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều, khi thấy sốt, sưng hạch thì tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả.
Đáng nói, nếu phát hiện trễ, việc điều trị dịch hạch sẽ hết sức phức tạp với nhiều biến chứng.
Bên cạnh dịch hạch, chuột còn là nguyên nhân lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm như viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết,.. Nếu bị chuột cắn, bệnh nhân cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng rồi sát trùng lại bằng cồn hoặc povidine. Sau đó, cần đến cơ sở y tế để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách.