Bão số 6 dự kiến đi vào đất liền các tỉnh Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Trọng tâm vùng ảnh hưởng là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
- Lo bão số 6 - Nakri gây thiệt hại nặng như bão Damrey năm 2017
- Bão số 6 diễn biến vô cùng phức tạp, có thể đổ bộ vào Chủ Nhật
Trong cuộc họp ứng phó bão số 6 của Thường trực BCĐ TƯ về Phòng chống thiên tai sáng nay, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện bão số 6 cách đất liền gần 600km, tốc độ di chuyển bắt đầu nhanh hơn, từ 10-15km.
Cường độ bão theo cập nhật lúc 7h sáng nay là cấp 11-12, có khả năng đạt cường độ mạnh nhất từ trưa và chiều nay, sau đó giảm cấp. Mức độ giảm cấp phụ thuộc vào sự tương tác với không khí lạnh.
Hướng di chuyển của bão đang ổn định theo hướng Tây, vùng hướng đến vẫn tập trung ở Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Về thời gian đổ bộ, ông Khiêm cho hay, ngày hôm qua hầu hết các cơ quan dự báo quốc tế nhận định sẽ vào tối, đêm mai. Tuy nhiên, dự báo gần đây của các cơ quan khí tượng như Nhật, Hong Kong, Mỹ thì sẽ lùi 2-3 tiếng, dự kiến vào khoảng rạng sáng ngày 11/11.
Khi bão đi vào đất liền với sức gió mạnh ở cấp 9-10, giật cấp 12. Nguy cơ sóng biển cao 7-8m, trong bờ là 6-7m.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to.
Lượng mưa dao động 200-350mm, tập trung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Tây Nguyên. Vùng mưa có thể mở rộng ra Huế, Đà Nẵng với lượng mưa từ 100-150mm; tại Tây nguyên từ 150-200mm.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, nam Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, sông nhỏ lên trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, bắc Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Sẵn sàng phương án di dời khỏi khu vực nguy hiểm
Theo báo cáo của thường trực BCĐ TƯ về Phòng chống thiên tai, đến 6h sáng nay, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão. Trong đó hiện có 5 tàu của Quảng Ngãi neo đậu, trú tránh tại Philippines đang đề nghị hỗ trợ dầu và lương thực, thực phẩm.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 7-8/11; các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã có kế hoạch cấm ra khơi vào hôm nay và ngày mai.
Tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.
Ngoài ra, các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 37.811 hộ/ 152.563 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất. Trong đó tỉnh Phú Yên đã di dời 62 hộ dân.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị các cơ quan, đơn vị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.
Đồng thời hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển, các khu neo đậu, tránh trú; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực thường xảy ra sự cố…