Một trong số ba nhân viên ngân hàng bị tạm giữ khai, đã cung cấp tổng cộng thông tin của 54 doanh nghiệp cho nhóm đối tượng lừa đảo, thu về số tiền 740 triệu đồng.
- Nữ quái lĩnh 14 năm tù vì chế "bùa yêu" bằng lông chó, lừa đảo tiền tỷ
- 'Bán đất mua xe cứu thương chở miễn phí, người ta từng nói tôi lừa đảo'
Công an tỉnh Phú Thọ vừa khởi tố, bắt giữ 5 đối tượng gồm: Nguyễn Lê Thanh Tú (SN 1985, ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cùng đồng bọn là Nguyễn Tiến Hùng (SN 1995, ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu); Ngọc Tuấn (SN 1996, ở Bà Rịa - Vũng Tàu); Mạc Đăng Khoa (SN 1991, ở Vĩnh Long) và Phạm Xuân Huy (cũng ở Vĩnh Long) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các đối tượng trên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ rút tiền từ các ngân hàng khác nhau, riêng tại Phú Thọ, các đối tượng đã chiếm đoạt 3 tỷ 140 triệu đồng của một doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội.
Làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Lê Thanh Tú (đối tượng cầm đầu) khai nhận, để có thể có được những thông tin chi tiết về hồ sơ tài khoản của doanh nghiệp, đối tượng này đã mua dữ liệu, thông tin của các doanh nghiệp từ một nhân viên ngân hàng với mức giá từ 10-13 triệu đồng cho một tài khoản.
Để dễ dàng có được sự hợp tác của nhân viên ngân hàng, khi đề nghị mua dữ liệu, Tú đã lấy lý do là để đối chiếu lại thông tin doanh nghiệp "trước khi cho vay lãi" chứ không tiết lộ việc mua dữ liệu với mục đích để đi lừa đảo.
Vì thế, sau lần đầu tiên, Tú muốn lấy hồ sơ tài khoản của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều được đáp ứng. Chỉ cần có tiền là được.
Sau khi có thông tin tài khoản, Tú cùng đồng bọn đã làm hàng loạt giấy tờ giả để thực hiện 5 vụ lừa đảo, rút được hơn 10 tỷ đồng của doanh nghiệp từ các ngân hàng khác nhau. Khi nhóm này bị sa lưới thì đường dây bán thông tin tài khoản doanh nghiệp với sự tham gia của một số nhân viên ngân hàng mới dần lộ diện.
Hiện có 3 nhân viên làm việc tại 2 ngân hàng khác nhau đang bị Công an tỉnh Phú Thọ tạm giữ hình sự gồm Đoàn Lê Trí Viễn (SN 1992, quê tỉnh Quảng Nam); Lê Thái Nhân (SN 1994, quê tỉnh Bình Định), cùng là nhân viên Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Trường Sơn, TP HCM) và Nguyễn Thái Thịnh (SN 1994, quê tỉnh Bình Định) là nhân viên Ngân hàng S– Chi nhánh Gò Vấp.
Riêng Đoàn Lê Trí Viễn khai nhận, khi được Tú gửi thông tin về doanh nghiệp cần mua thì Viễn sẽ dùng tài khoản user nội bộ của mình kiểm tra thông tin của doanh nghiệp đó trên hệ thống, rồi gửi qua ứng dụng telegram cho Tú.
Chính vì thế, tất cả những thông tin về số tài khoản, chủ tài khoản, kế toán trưởng, mẫu dấu công ty và số điện thoại báo số dư tài khoản của doanh nghiệp dễ dàng bị tiết lộ. Thậm chí là cả sao kê các giao dịch gần nhất cũng bị đem ra để bán.
Theo khai nhận, để có được dữ liệu tài khoản của doanh nghiệp mở ở các hệ thống ngân hàng khác, nhân viên ngân hàng này đã nhờ sự hỗ trợ của một số bạn bè đồng nghiệp làm ở các ngân hàng khác và trả chi phí 3 triệu cho một hồ sơ tài khoản.
Viễn khai, bản thân đã cung cấp tổng cộng thông tin của 54 doanh nghiệp cho Nguyễn Lê Thanh Tú, thu về số tiền 740 triệu đồng.
Sẽ phá bỏ công trình "phim trường" bí ẩn xây dựng trên núi ở Lạng Sơn