Lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng triển khai, nỗ lực hết sức mình giải cứu bé Hạo Nam sau 4 ngày xảy ra tai nạn.
- Những vụ trẻ em gặp tai nạn ‘hố công trình’ thương tâm tại Việt Nam: Mong ước có phép màu
- Hoàn cảnh gia đình bé trai rơi xuống trụ bê tông 35m: cha mẹ khó khăn, phải làm thuê trả nợ, xót xa từng giây chờ con
Theo Thanh Niên, phương án dùng máy khoan guồng xoắn để làm giảm độ ma sát của đất và cọc bê tông nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) mắc kẹt, tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) chưa mang lại kết quả. Do đó, lực lượng cứu hộ phải áp dụng phương án đưa ống vách thép đóng bọc bên ngoài cọc bê tông rồi xử lý nạo phần đất trong lồng ống vách thép và buộc dây cáp vào 3 đốt của cọc bê tông để nhổ lên khỏi mặt đất.
Theo đó, từ chiều 2.1 đến rạng sáng 3.1, các ống vách thép và thiết bị hỗ trợ cứu hộ được đưa đến. Đến khoảng 2 giờ sáng 3.1, các ống vách thép đường kính 1,5 m được hàn xong. Chiều dài ống đầu tiên khoảng 22 m được cần cẩu đưa vào vị trí bao trùm cọc bê tông mà bé Hạo Nam mắc kẹt bên trong. Đến gần 5 giờ sáng, ống vách thép đóng vào lòng đất được 17 m.
Có mặt tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết lực lượng cứu hộ đã dùng máy khoan guồng xoắn làm tơi xốp đất và dùng thiết bị chuyên dụng nạo vét đất bên trong lòng ống vách thép để giảm lực ma sát với cọc bê tông. Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để đưa hết đất đá bên trong ống vách thép ra ngoài. Công tác khoan guồng xoắn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27 m, sau đó tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông. Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, hiện nay quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm để nhanh chóng cứu hộ cháu bé. Bên cạnh đó, đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn nhanh hơn.
“Đến nay, bé đã trải qua 4 ngày trong lòng ống hẹp. Khả năng bé bị đa chấn thương trong môi trường thiếu không khí nên tiên lượng sức khỏe trong tình trạng rất xấu. Đây là vụ tai nạn hy hữu, không ngờ được. Tuy có khó khăn, lúng túng, bất ngờ nhưng tỉnh tìm mọi cách để tiếp cận bé nhằm triển khai các biện pháp cứu hộ”, ông Bửu nói.
Bước sang ngày thứ 4, lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp dù đã nỗ lực, gấp rút nhưng vẫn chưa cứu được bé Hạo Nam.
Cũng theo Sức khỏe và đời sống, từ khi bé trai gặp nạn, lực lượng chức năng triển khai các hoạt động giải cứu cả ngày lẫn đêm. Để phục vụ công tác cứu nạn, khoảng hơn 200 người được huy động cùng với nhiều phương tiện, máy móc như cần cẩu, máy đào, xà lan, dàn cọc khoan nhồi, thiết bị xói hút bùn, giàn khoan guồng xoắn, giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ khác.
Nhắc lại thời điểm xảy ra sự việc, anh Thái Văn Tấn Tài cho biết, bé Nam thường chơi quanh xóm. Lúc nghe tin con trai rơi xuống trụ bê tông, anh Tài hốt hoảng chạy lại hiện trường và nghe tiếng con kêu cứu dưới hố. Nhưng khoảng 10 phút sau, anh không nghe tiếng gì nữa.
Sau khi xảy ra sự việc, cha bé Hạo Nam không chợp mắt nổi, anh Tài lúc nào cũng túc trực tại hiện trường với gương mặt thất thần. Khi ai hỏi về tình trạng của con trai người đàn ông này không kìm nén nổi sự xúc động mạnh. Gương mặt anh phờ phạc, mắt liên tục theo dõi hướng về phía khu vực cứu hộ.
Riêng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh thì từ khi con bị nạn liên tục ngất xỉu vì quá lo lắng. Sau khi được y tế can thiệp và mọi người đưa về nhà chăm sóc, sức khỏe chị Linh ổn định hơn, tuy nhiên người phụ nữ này vẫn xúc động mạnh.
Theo người dân địa phương, gia đình anh Tài thuộc diện khó khăn, vợ chồng quanh năm đi làm thuê sinh sống. Vợ chồng anh Tài có 2 con, Nam là con trai lớn đang học lớp 5, sau đó là em gái mới được một tuổi. Hằng ngày, cháu Nam đi nhặt phế liệu để bán, phụ bố mẹ kiếm tiền đi học.
Trước đây, vợ chồng anh Tài chỉ có 1.000m2 đất trồng ớt, thế nhưng vụ mùa thất bát, trồng ớt không đạt nên rơi vào cảnh nợ nần. Hiện chị Linh phải nuôi em gái của Nam chỉ hơn 1 tuổi nên chủ yếu ở nhà làm nội trợ và chăm sóc hai anh em. Anh Tài thì chăm sóc ruộng ớt và đi làm thuê kiếm tiền trang trải.
Nhắc đến con trai, chị Linh cho biết từ nhỏ Nam khá nhỏ người, lúc sinh ra nặng 3,1 kg, hiện dù 10 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20 kg. Nam ngoan, học khá, mỗi ngày trước khi đi học thường ra chợ mua thức ăn sáng cho ba mẹ, cho em gái rồi mới đi học. Sau những ngày đêm ròng rã chờ đợi tin tức, người mẹ như chị chỉ còn biết chờ đợi vào phép màu.