Nếu Hà Nội được nới lỏng giãn cách thì những ngành nghề nào nên được hoạt động trở lại là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
- Mới: Sau ngày 15/9, shipper tại TP.HCM được chạy liên quận, huyện, tiếp tục được hỗ trợ phí xét nghiệm
- NÓNG: Đã có trường hợp tử vong đầu tiên sau khi mắc COVID-19 tại Quảng Bình
Những ngày vừa qua, tình hình dịch ở Hà Nội có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi số F0 ghi nhận mới hàng ngày ở mức thấp so với giai đoạn cao điểm trước đây, dao động trong khoảng 30 - 50 ca bệnh. Những ổ dịch từng rất nóng như phường Thanh Xuân Trung; Kim Đồng, Giáp Bát; Văn Chương - Văn Miếu đều đã được khoanh vùng và cơ bản kiểm soát.
Trước tình hình ấy, Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 13/9 giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9. Thông tin này được Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong xác nhận với Dân trí vào tối 13/9.
Liên quan đến vấn đề nên ưu tiên những loại hình kinh doanh nào được hoạt động trở lại sau ngày 21/9, chia sẻ trên báo Đại đoàn kết, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước hết là những doanh nghiệp, những dự án nằm trong chuỗi cung ứng lớn có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế cần được ưu tiên hoạt động trở lại. Bởi lẽ, những doanh nghiệp nằm trong số này thường đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng của Việt Nam và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp theo đó là dịch vụ logistics cần được ưu tiên hoạt động trở lại, bởi lẽ dịch vụ này liên quan tới vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, những ngành nghề dịch vụ sản xuất, những ngành sử dụng nhiều lao động cũng cần mở sớm bởi đây là những ngành ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người lao động, cần tạo điều kiện để người dân có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống.
Mặt khác, trao đổi trên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, kịch bản tích cực nhất sau ngày 15 và 21/9 là có thể nới lỏng giãn cách toàn thành phố. Nếu không được, Thủ đô nên nới lỏng sâu rộng đến từng quận, huyện, thị xã, thậm chí từng xã, phường, thị trấn. Mức độ nới lỏng đến đâu phụ thuộc vào đánh giá nguy cơ từng khu vực đó.
Theo ông Hùng, vùng nguy cơ thấp hoặc rất thấp, có thể chuyển xuống áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng, hoặc trạng thái bình thường mới. Những "vùng xanh" rất an toàn, cả tháng nay không ghi nhận ca mắc mới, có thể được mở cửa trở lại, trao cơ hội cho người dân phục hồi kinh tế - xã hội. Ngược lại ở những nơi đang có ổ dịch vẫn cần duy trì các biện pháp chống dịch quyết liệt. Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi khu vực "vùng đỏ" phải siết chặt
Sau khi nới lỏng giãn cách, theo PGS Hùng, Hà Nội cần phải thực hành mạnh hơn các nguyên tắc 5K. Vấn đề về mang khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế của người dân… cần được chính quyền tiếp tục tuyên truyền và giám sát chặt hơn. Để ngăn mầm bệnh xâm nhập, Hà Nội cũng cần kiểm soát chặt người ra vào thành phố, nhất là với những người về từ vùng có dịch. "Đặc biệt cần siết chặt kiểm soát với người về từ những vùng dịch diễn biến phức tạp, có tỉ lệ mắc bệnh cao", PGS Hùng nói.
Một vấn đề khác, theo chuyên gia này, sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm mũi một vắc xin Covid-19, thành phố cần phải duy trì tiến độ như hiện tại với tiêm vắc xin mũi 2 để sớm bao phủ vắc xin cho người dân. Từ đó, xây dựng các chính sách ưu tiên về đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và người mắc bệnh đã hồi phục. Việc ưu tiên này không chỉ là di chuyển trong thành phố mà cả di chuyển ra các tỉnh, thành khác.