Trong chiều 30 Tết, mâm ngũ quả là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền theo phong tục của người Việt ta. Cùng tìm hiểu xem mâm ngũ quả miền Nam gồm những gì để hiểu sâu thêm nét văn hóa đẹp của cha ông ta cũng như chuẩn bị và bày biện mâm ngũ quả được chu toàn hơn nhé.
- Những món ngon thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc
- Điểm danh những món ăn thường thấy trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam
Mâm ngũ quả là nét văn hóa không thể thiếu trong các gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mỗi loại quả bày trên mâm ngũ quả vừa thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên, nhưng cũng gửi gắm ước mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng nhiều ấm no. Với sự khác biệt văn hóa từng vùng miền, mâm ngũ quả cũng được bày biện khác nhau từ Bắc vào Nam. Cùng tìm hiểu xem mâm ngũ quả miền Nam gồm những gì? để hiểu thêm nét đẹp truyền thống này cũng như tăng thêm sự hiểu biết về đa dạng văn hóa từng vùng miền nhé các bạn.
Mâm ngũ quả miền Nam gồm những gì?
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam
Theo quan niệm từ xưa, năm loại quả bày trên bàn thờ ngày Tết sẽ tượng trưng cho ngũ hành bao gồm Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ cũng như là mong ước Phúc - Quý - Thọ - Khang - Ninh cho cả gia đình, đón năm mới nhiều niềm vui, an khang, thịnh vượng.
Hơn nữa, con số 5 không chỉ tương ứng với ngũ hành mà còn là số sinh theo quan niệm của phong thủy. Thể hiện một năm mới mọi việc đều hanh thông, tiếp tục phát triển, sinh sôi mạnh mẽ.
Thế nên, lựa chọn con số 5 với 5 loại hoa quả chính là thể hiện sự hài hòa âm dương ngũ hành, thuận lợi phong thủy, mong rằng nhiều niềm vui, may mắn sẽ đến với cả gia đình trong một năm mới đầy hứng khởi.
Còn theo tín ngưỡng ông bà kể lại thì, việc bày trên bàn thờ Tết năm loại quả chính là năm sản vật tinh túy của con cháu đạt được, chăm bẵm, vun trồng, chăm chỉ làm ăn thành kính dâng lên thánh thần, ông bà hưởng dụng trong giờ phút giao thừa năm mới và năm cũ đầy thiêng liêng của dân tộc thể hiện tấm lòng hiếu thảo, nhớ và biết ơn, chăm sóc đến ông bà, tổ tiên đã mất, thể hiện đúng theo tinh thần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt ta.
Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất. Ảnh: Internet
Cũng chính là theo ý nghĩa là sản vật tinh túy, chắt lọc lựa chọn kỹ càng sau một năm lao động của con cháu, mỗi loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết đều có một ý nghĩa khác nhau đã dẫn tới sự khác biệt về các loại quả bày trong mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam, miền Bắc và miền Trung vì khác biệt phong tục quan niệm cũng như là thời tiết từng vùng miền.
Đối với người miền Nam, thể hiện đúng theo tính cách bình dị, dân dã, mộc mạc, chân chất, mâm ngũ quả được bày theo triết lý "Cầu sung vừa đủ xài" tức là Cầu sung túc vừa đủ xài trong năm mới, không cầu cao sang, phú quý, tiền tài mà chỉ cầu sung túc, ấm no mà thôi, mà câu sung túc cũng không cầu "nhiều" chỉ cần "đủ" mà thôi.
Ứng với đó, các loại quả thường được bày trên mâm ngũ quả người miền Nam sẽ là Mãng cầu (Cầu), Dừa (vừa), Đu đủ (đủ), Xoài (xài). Ngoài ra, còn bày thêm dứa - cầu con cháu đông đúc (dứa có nhiều mắt con), và dưa hấu - cầu một năm mới nhiều may mắn (xanh vỏ đỏ lòng) cho cả gia đình và người thân.
Một số loại quả khác nữa cũng sẽ được bày trên mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam như:
- Lê: Mọi việc đều hanh thông, thuận lợi, ngọt nhanh như lê
- Lựu: Tượng trưng ước mong con cháu đầy đàn, đông đúc, nhiều phúc, nhiều lộc
- Thanh long: Ý chỉ mây rồng gặp nhau
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam thường đơn giản chứ cũng không cần phải kiểu cách gì phức tạp. Hầu như là bày trên một khay/mâm rộng, xếp vừa đủ là được. Trên đó, khi bày thì sẽ đặt đu đủ, mãng cầu, dừa trước để lấy thế, rồi sắp xếp những loại quả bé hơn như xoài hay sung tạo hình cho mâm ngũ quả như một ngọn tháp cao. Bày thêm hai, ba quả dứa để tạo thêm thế vững chắc, riêng dưa hấu sẽ đặt hai bên của mâm ngũ quả khi bày xong.
Cách bày mâm ngũ miền Nam đơn giản và bình dị. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, cũng do sự cầu kỳ trong khâu lựa chọn các loại quả mà một số loại quả sẽ rất kiêng kị bày trên bàn thờ trong những ngày này. Đơn cử như:
- Chuối: Phát âm gần giống từ chúi, chúi nhủi, thể hiện sự nguy khốn, khó khăn.
- Cam, quýt: Do câu "Quýt làm cam chịu" nên kiêng.
- Lê, táo: Lê lết, làm ăn không hanh thuận.
Có thể thấy tuy có sự khác về bày biện các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam, nhưng vẫn đều mang ý nghĩa thành kính nhớ đến thần thánh, ông bà tổ tiên cũng như gửi gắm ước mong một năm mới thịnh vượng, an vui đến với cả gia đình. Chúc các bạn có một cái Tết vui vẻ, quây quần bên người thân và gia đình cũng như chuẩn bị mâm ngũ quả thật đủ đầy và chu tất ngày 30 Tết nhé.