Những món chè trôi nước tạo hình cá chép vào mỗi dịp ông Công ông Táo lại khiến các chị em thỏa mãn mọi giác quan, đồng thời thể hiện sự khéo léo, đảm đang.
- 2 cách chế biến ức gà thơm ngon, mềm mọng cho chị em giảm cân
- Hướng dẫn cách làm mứt cà rốt bằng lò vi sóng cực nhanh tại nhà
Trong dân gian tương truyền, vào ngày 23 tháng Chạp là ngày các ông Táo về chầu trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra ở dưới trần gian trong năm vừa qua. Vì thế mà các gia đình Việt thường dùng cá chép làm Lễ vật dâng cúng để tiễn ông Táo Quân về trời.
Theo chị Hồ Thị Nhi (30 tuổi) ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ trên Thanh Niên, nguyên liệu chính của món bánh trôi nước là bột nếp Thái, sử dụng loại bột này sẽ giúp bánh trôi không bị nứt hay vỡ khi nấu. Để bánh có màu tự nhiên nhất, Nhi sử dụng các loại củ như: củ dền, lá dứa… Có hai loại nhân bánh được chị sử dụng chính là nhân đậu xanh và nhân mè đen. Chị Nhi cho hay sẽ nấu bánh trôi tạo hình theo công thức bánh trôi bình thường, gồm các bước: làm nhân, trộn bột làm vỏ bánh, tạo hình bánh, nấu nước đường, cốt dừa và luộc bánh.
Công đoạn khó nhất để hoàn thiện một chiếc bánh trôi nước là khâu trộn bột và tạo màu bánh. “Bột bánh phải dẻo mịn, màu sắc phải chuẩn thì khi tạo hình bánh sẽ đẹp và thành phẩm bánh mới ngon. Khâu tạo hình bánh là rất quan trọng, để bánh nhìn bắt mắt hấp dẫn, nó yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo cao của người làm bánh”, chị Nhi nói thêm.
Những bát chè màu sắc bắt mắt, hương vị ngọt ngào sẽ tô điểm cho mâm cỗ cúng thêm trang trọng. Ngoài dịp ông Công, ông Táo, món chè cá chép còn được nhiều bậc phụ huynh mua về trong dịp lễ thôi nôi của con cái.
Theo giadinh.suckhoevadoisong, cách nấu chè trôi nước cá chép đẹp như tranh cho mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không khó, nguyên vật liệu làm bánh trôi cá chép cũng giống như bánh trôi truyền thống, chỉ khác ở khâu xử lý và pha chế bột.
Chuẩn bị nguyên liệu cho món chè trôi nước cá chép
Công thức pha bột
- 100gr bột nếp Thái Lan
- 0,2gr muối
- 20gr gấc
- 60ml - 85ml nước nóng
Công thức nhân đậu xanh
- 200gr đậu xanh cà vỏ
- 60gr đường
- 0,2gr muối
- 10ml dầu ăn
Công thức nước đường
- 500ml nước lọc
- 100gr đường
- 2gr muối
- 20gr gừng thái lát
Công thức nước cốt dừa
- 500ml nước cốt dừa
- 5gr bột năng
- 5gr bột gạo
- 50gr đường
- 0,5gr muối
- 2 lá dứa
- Vani
Cách chế biến chè trôi nước cá chép
- Trộn đều bột nếp + muối
Cho nước và gấc vào máy xay mịn, đặt lên bếp đun cho hỗn hợp sôi, từ từ đổ hỗn hợp nước gấc vào bột dùng đũa khuấy đều. Sau đó đeo găng tay có bôi một ít dầu ăn để nhào bột, nhồi cho bột dẻo thành một khối là được.
- Nấu đậu xanh
Đậu xanh ngâm nước 2 tiếng cho đậu nở, rửa sạch đậu nhiều lần nước sau đó cho vào nồi nấu như nấu cơm. Đậu chín thì cà nhuyễn, tiếp tục cho đường + dầu ăn + muối vào đánh đều. Cho đậu vào chảo không dính sên lửa liu riu đến khi ấn đầu ngón tay thấy đậu không dính là được. Vo viên đậu thành viên vừa ăn khoảng 25gr.
Trong quá trình nấu tránh khuấy đậu quá nhiều, khiến đậu bị sượng. Nên theo dõi thường xuyên để tránh nước cạn quá lâu sẽ khiến đậu bị cháy. Nhân đậu xanh đạt yêu cầu là khi chúng đặc lại thành một khối, tách ra khỏi chảo và khi trộn không còn bị dính vào cây trộn bột nữa. Lưu ý không sử dụng nhân đậu xanh còn ướt để làm bánh vì khi hấp sẽ làm bánh bị chảy xệ, mất đi hình dạng và không còn đẹp mắt.
- Nấu nước đường
Có thể dùng đường thốt nốt cho thơm ngon, cho tất cả gia vị và nấu sôi cho tan đường.
- Nấu nước cốt dừa
Nước cốt dừa nấu chung với đường + muối + lá dứa, nước sôi lăn tăn hạ lửa nhỏ. Bột năng + bột gạo cho vào nửa bát nước khuấy tan rồi từ từ đổ vào nồi nước cốt dừa. Khuấy đều nhẹ tay chờ nước sôi lăn tăn 1 phút là được. Cho vani vào và tắt bếp.
- Nặn viên chè
Chia bột thành phần nhỏ 25gr, bôi dầu ăn vào tay để chống dính, ấn dẹt bột trong lòng bàn tay sau đó cho viên nhân vào giữa và túm lại cho kín, vê tròn viên chè cho đẹp. Cho viên bột vào khuôn cá rồi lấy ra từ từ
- Luộc chè
Đặt nồi nước lên bếp, nước sôi thả viên chè vào luộc, khi viên chè nổi lên khoảng 2 phút là chè chín. Vớt ra thả vào bát nước nguội cho sạch dầu vì trong quá trình tạo hình mình phải bôi dầu vào tay. Rửa sạch lượng dầu còn bám trên bề mặt viên chè rồi vớt ra bát chan nước đường.
Cũng theo chị Dung Nhi (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ trên Báo Dân Việt, thời gian bảo quản bánh sẽ kéo dài 2 - 3 ngày ở nhiệt độ phòng lý tưởng.
"Sau khi bánh được hấp lên, tôi sẽ chan nước đường vào trong hộp. Nhờ những chú cá có màu sắc bắt mắt, sinh động nên nhìn qua cứ ngỡ như chúng đang bơi lội" - chị nói.
Bánh trôi tạo hình kiểu này có thể đem cấp đông sau khi hấp xong và đã để nguội. Khi dùng thì bỏ ra rã đông tự nhiên rồi hấp lại. Cách này rất tiện khi nhà có việc.
Nếu làm màu thực phẩm thì chỉ cần chia nhỏ khối bột, nhỏ màu thực phẩm vào từng cục bột nhỏ, nhào lên rồi tạo màu. Những phần bột nhỏ thừa không đủ tạo hình hoa sen hoặc cá, bạn có thể vo viên tròn, luộc lên như bánh trôi thông thường nhé.
Một số lưu ý khi làm lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp
Theo Thể Thao và Văn Hóa, tín ngưỡng dân gian cho hay, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tương trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết.