Món cóc ngâm muối ớt được xem là món ăn chơi được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ lạ miệng, món ăn này còn có tác dụng giải rượu, kích thích tiêu hóa. Dưới đây là hướng dẫn những cách làm cóc ngâm muối ớt giòn ngọt, cực dễ làm, bạn có thể áp dụng thực hiện tại nhà.
- Tìm hiểu về chế độ ăn cho người nhịp tim chậm
- Bất ngờ trước những tác dụng của dưa gang với sức khỏe
Tác dụng của quả cóc
Cóc được biết đến là thực phẩm có vị chua, chứa lượng đường thấp, giàu chất xơ, protein. Với những thành phần này, đây là loại thực phẩm lý tưởng hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Hơn thế với vị chua thanh, có được dùng nhiều trong những món ăn kiêng của những người đang có nhu cầu thải độc, giảm cân nặng.
Người ta có thể chế biến cóc thành nhiều món ngon như cách làm cóc ngâm muối ớt, cách làm cóc ngâm đường giòn…. Để làm món ăn chơi, vừa là món ăn giải cảm. Do trong phần thịt của quả cóc có chứa đến 42mg acid ascorbic, các chất sắt giúp cơ thể tăng cường đề kháng, tránh tình trạng bị cảm cúm khi thời tiết thay đổi. Việc ăn cóc cùng với muối tinh sẽ giúp cải thiện hiện tượng đau rát cổ họng. Vỏ cóc còn có chứa một loại chất có tác dụng điều trị chứng tiêu chảy hiệu quả.
Vitamin C trong cóc không chỉ có tác dụng giúp chống oxy hóa mạnh mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể giảm tình trạng mắc bệnh về ung thư, tim mạch. Đồng thời, thực phẩm này giúp chữa lành vết thương và tăng đề kháng cho bản thân.
Cách làm cóc ngâm muối ớt giòn ngon
Nguyên liệu:
- Cóc non: 1 kg
- Đường cát: 150 gram
- Nước mắm loại ngon, muối, ớt sừng, ớt bột
Thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cóc đem rửa sạch và gọt bỏ vỏ, ngâm qua cùng với muối loãng trong khoảng 20 – 30 phút để cho cóc bớt phần nhựa và giữ cho cóc ngâm giữ được thời gian lâu hơn. Ớt sừng đem rửa sạch, cắt bỏ phần cuống và thái thành từng lát mỏng (tùy vào sở thích ăn cay mà bạn có thể cho nhiều ớt hơn).
Bước 2: Tách cóc
Sau khi ngâm cóc cùng nước muối loãng, vớt cóc và rửa sạch lại một lần nữa bằng nước sạch, để ráo nước, cách tách quả cóc để ngấm gia vị là bổ các thành từng miếng nhỏ, nếu dùng cóc non nhỏ thì bổ đôi, còn nếu quả cóc miếng cau hoặc bổ đôi và khía phần thịt cóc để cho cóc được thấm gia vị hơn.
Bước 3: Pha chế gia vị ngâm cóc
Cho một lượng nước vừa đủ vào trong nồi và đặt lên bếp, cho thêm chút đường và đun trên bếp nhỏ lửa, khuấy nhẹ tay cho đến lúc thấy đường tan hết thì cho thêm nước mắm, ớt bột, ớt sừng và đun sôi hỗn hợp này trong ít phút thì tắt bếp.
Nếu thích cay, bạn có thể cho thêm ớt hoặc nếu thích ngọt thì cho thêm đường. Lưu ý, trước khi cho cóc ngâm, cần thử qua xem phần nước gia vị đã vừa miệng hay chưa để đảm bảo đủ vị, lấn át vị chua của cóc.
Bước 4: Đem cóc đi ngâm
Cho hỗn hợp gia vị đã để nguội vào trong bình thủy tinh đã rửa sạch, tiếp đó cho cóc vào và để nước ngập cóc. Trong quá trình ngâm cóc cần lựa chọn đĩa hoặc túi nước để dìm cho phần cóc nằm dưới mức nước, với cách ngâm cóc muối ớt này sẽ giúp cóc ngâm sẽ không thâm, hỏng nếu để ngâm lâu ngày. Ngâm cóc khoảng 24h là có thể đem ra dùng được.
Với cách làm cóc non ngâm muối ớt cũng áp dụng theo cách làm tương tự.
Cách làm cóc dầm muối ớt
Nguyên liệu:
- Cóc non: 1 kg (có thể dùng loại cóc xanh tùy sở thích)
- Đường: 5 thìa cafe
- Muối tinh luyện: 2 thìa cafe
- Ớt khô: 2 thìa
Thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi mua cóc về đem rửa sạch và gọt vỏ, nên gọt mỏng vỏ để giữ được độ chua của cóc. Sau khi gọt xong ngâm chậu nước muối để tránh cóc thâm đen. Với quả cóc non bạn có thể bổ đôi hoặc để nguyên trái và cứa nhẹ xung quanh. Còn với cóc to, tách cóc thành từng miếng nhỏ. Cóc sau khi ngâm với nước muối khoảng 20 phút thì vớt ra, để ráo nước.
Bước 2: Bổ cóc
Để tăng thêm hương vị cuả cóc cốc trộn muối ớt thêm phần đậm đà, bạn có thể thái thêm ớt tươi thành những lát mỏng và bỏ phần hạt ớt nếu không muốn tăng thêm vị cay. Lưu ý: nếu dùng ớt tươi, nên bổ đôi quả ớt xong rửa với nước đá để hạn chế bỏng da hoặc cay mắt khi sơ chế nguyên liệu.
Bước 3: Xóc cóc cùng muối ớt
Đầu tiên rắc cóc cùng đường và xóc cho phần đường được ngấm đều trong cóc. Ngâm qua hỗn hợp này trước rồi mới ngâm với muối chính là bí quyết giúp miếng cóc dầm trở nên ngon giòn bởi nếu xóc ngay cùng với muối trước cóc sẽ nhũn, chảy nước và không giòn.
Chờ cho đến khi đường bắt đầu tan hết và ngấm đều vào cóc thì rắc muối ớt rồi trộn đều. Tùy khẩu mà bạn cho thêm ớt bột vào trong cóc. Để cóc ngon và giòn, bạn nên bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, để dùng từ từ.
Cách làm cóc chua ngọt ăn liền
Nguyên liệu:
- Cóc bao tử: 1 kg
- Đường: 100 gram
- Muối: 10 gram
- Ớt trái: 2 – 3 quả
Thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cóc đem rửa sạch rồi gọt vỏ mỏng, giữ lại độ chua từ cóc. Sau khi gọt xong đem ngâm cùng với nước muối loãng để tan bớt nhựa và cóc không thâm. Tùy kích thước của quả có mà bổ đôi hoặc để nguyên quả. Ngâm trong khoảng 20 phút rồi vớt để ráo nước. Ớt bỏ phần cuống, rửa sạch rồi thái thành lát mỏng, có thể giữ lại hạt ớt nếu thích ăn cay.
Bước 2: Pha nước ngâm cóc
Nước ngâm cóc chính là linh hồn của món cóc ngâm chua ngọt. Cho 300ml nước sôi để nguội và đun cùng với đường. Vừa đun vừa khuấy cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp và để nguội.
Bước 3: Ngâm cóc
Sau khi pha chế nước ngâm, để nguội rồi cho tất cả cóc vào lọ thủy tinh, đổ từ từ nước pha cho đến khi ngập cóc thì cho tiếp ớt vào trong lọ thủy tinh và đập nắp lại.
Một số lưu ý trong cách làm cóc ngâm giòn ngọt
Cách làm cóc ngâm muối ớt vốn không khó, tuy nhiên để món ăn trở nên ngon, giòn và đậm vị thì trong quá trình làm cần phải chú ý những vấn đề như chọn nguyên liệu, thời gian để ngâm cóc, không nên ngâm quá lâu hoặc vừa ngâm là mang ra dùng ngay.
- Nên chọn những trái cóc non, vỏ xanh, tránh những quả đã chuyển vỏ sang màu vàng. Có thể lựa chọn quả cóc nhỏ, không hạt hoặc có hạt non thì sẽ càng ngon.
- Chọn cóc nên tránh quả héo, hỏng và quả cóc quá già, nhiều xơ sẽ khiến cho cóc ngâm bị ảnh hưởng.
- Ngâm cóc ít nhất sau 15 phút mới đem ra dùng. Cóc ngâm thưởng thức ngon nhất là sau một ngày, khi gia vị ngấm vào cóc giúp cóc có vị chua, ngọt hấp dẫn.
- Ngoài cóc, bạn có thể áp dụng công thức ngâm với các nguyên liệu khác như xoài, cà na…
- Đối với người bị tiểu đường, cóc là loại thực phẩm tốt bởi giúp giảm lượng đường chứa trong máu. Nên tận dụng vỏ cóc chín để hỗ trợ trị tiểu đường.
- Bên cạnh tác dụng tốt của cóc thì bạn cũng nên chú ý tới một vài mặt xấu mà nó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe như: không ăn cóc khi bụng đói bởi lượng acid trong dạ dày sẽ tăng cao, làm ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.
- Nếu có vấn đề về dạ dày, cần lưu ý không ăn nhiều cóc cũng không ăn quá nhiều cùng một lúc.
Trên đây là một hướng dẫn về cách làm cóc ngâm muối ớt ngon, giòn đơn giản mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tự làm được tại nhà. Không chỉ là món ăn vặt dễ tìm, cóc còn là loại thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể. Cho nên, hãy tận dụng loại quả này mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cho gia đình bạn.