Có thể nói, vào những ngày thời tiết se lạnh thì một bát mỳ vằn thắn được xem là ý tưởng tuyệt vời cho thực đơn của gia đình. Nếu vẫn chưa biết cách nấu mỳ vằn thắn, hãy học nhanh công thức cách chế biến mỳ vằn thắn theo gợi ý dưới đây nhé.
- Cứ ngỡ mì tôm chỉ có vậy ai ngờ nấu theo cách này "ngon vô đối"!
- Khi xào mì, chỉ cần thêm một bước này mì vừa ngon lại không bị dính nhau
Nguồn gốc mỳ vằn thắn?
Trước khi tìm hiểu về cách nấu mỳ vằn thắn, bạn có biết nguồn gốc của món ăn này? Theo dân gian, mỳ vằn thắn còn có những tên gọi khác là hoành thánh, sủi cảo, đây là món ăn xuất xứ từ vùng Quảng Đông của Trung Hoa. Món mỳ vằn thắn được làm từ những nguyên liệu chủ yếu gồm thịt, hải sản, hành, rau củ băm nhỏ, được gói lại với phần vỏ được làm từ bột mì rồi đem hấp cách thuỷ cho chín. Sau khi vằn thắn được làm chín, vỏ sẽ trong lại và nhìn thấy phần nhân bên trong, rất hấp dẫn.
Tương truyền, món ăn trứ danh của Quảng Đông này được du nhập vào Việt Nam vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Khi vào Việt Nam, món ăn này được biến tấu khác biệt hơn so với phiên bản gốc và được gọi thành mỳ vằn thắn – sự kết hợp ẩm thực giao thoa giữa Trung Hoa và Việt Nam. Không giống những món mì thông thường, cách nấu mỳ vằn thắn khá kỳ công và cũng đòi hỏi sự khéo léo, từ cách làm bột mỳ vằn thắn cho đến tẩm ướp gia vị và cách nấu nước dùng mỳ vằn thắn đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác, tuy nhiên hương vị tuyệt hảo mà món ăn này mang đến cho người thưởng thức cũng rất đáng công sức phải bỏ ra. Nếu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa ăn hàng ngày của gia đình, hãy thử làm món mỳ vằn thắn này đãi cả nhà bạn nhé. Hơi nóng của nước súp hoà cùng miếng hoành thánh trong nhân tôm thịt không chỉ kích thích vị giác, ngon miệng mà còn rất dinh dưỡng.
Cách nấu mỳ vằn thắn ngon
mỳ vằn thắn ngày nay được ăn theo nhiều kiểu, từ món nước cho đến món trộn, hấp. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là mì ăn cùng với nước súp. Để làm món ăn này, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn cách làm mỳ vằn thắn như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
- 200gr tôm tươi, tôm khô, 100gr thịt heo xay, 100gr gan lợn, xương heo 1kg
- Mỳ 1 gói lớn, 200gr vỏ làm há cảo
- Củ hành tây ½ - 1 củ, củ cải, cà rốt
- Nấm hương, rau cải, hành lá
- Gia vị các loại (mắm, muối, tiêu, đường..)
Thực hiện
Bước 1: Làm thịt xá xíu
Rửa thịt sạch, thấm khô và ướp cùng với 2 thìa đường mạch nha, 1 muỗng mật ong, 1,5-2 muỗng xì dầu, ngũ vị hương, tỏi băm, tiêu trong khoảng 1 tiếng để ngấm gia vị. Sau đó nướng ở nhiệt độ 220 độ C khi thịt chín thì thái mỏng.
Bước 2: Nước súp
Ninh xương cho nhừ rồi cho cà rốt, củ cải, hành tây, tôm khô vào nấu cùng, chú ý hớt bọt khi nước sôi, khi xương nhừ thì nêm gia vị cho vừa ăn.
Bước 3: Làm mỳ vằn thắn
Ngâm mềm nấm hương, mộc nhĩ, sau đó thái nhỏ, tôm bóc vỏ và hạt lựu. Tiếp đó trộn hỗn hợp gồm thịt xay, nấm, mộc nhĩ, hành, tôm cùng nhau. Cho phần nhân vào giữa vỏ bánh, tạo hình tùy thích, sau đó đem luộc hoặc hấp chín. Khi thấy vằn thắn có vỏ trong thì vớt ra.
Bước 4: Thức ăn kèm với mì
Trứng gà đem luộc chín và bóc vỏ, cắt làm đôi hoặc làm 4. Gan heo sau khi luộc chín, cắt thành từng miếng mỏng (hoặc kích cỡ tùy thích), Tôm tươi đem đi hấp chín và bóc vỏ. Rau ăn kèm đem sơ chế sạch và trụng qua nước sôi. Hành lá đem rửa sạch và thái khúc vừa ăn hoặc thái nhỏ tùy theo sở thích. Sau khi chuẩn bị hết tất cả các nguyên liệu thì cho mỳ vào bát, thêm rau, tôm, thịt, trứng.. rồi chan với nước dùng và thưởng thức.
Công thức làm các món mỳ vằn thắn khác
Cách làm mỳ vằn thắn trộn
Đây là một trong những cách nấu mỳ vằn thắn biến tấu mới từ món mì truyền thống. Món ăn này cũng có đầy đủ gồm há cảo chiên, trứng, xá xíu…. nguyên liệu làm món mì trộn cũng tương tự như công thức làm mỳ vằn thắn trên. Tuy nhiên món ăn này khác biệt ở phần nước sốt trộn mì.
Để làm nước sốt, bạn có thể áp dụng theo công thức gồm: 2 thìa nước cốt chanh, 1 muỗng đường, 1 chút xíu muối, 2 thìa sốt mayonnaise, hạt tiêu, trộn hết tất cả nguyên liệu này cho đến khi hòa tan thì cho vào bát với phần mỳ vằn thắn đã được trụng chín qua nước nóng. Cho thêm thịt xá xíu, rắc thêm chút hành là đã có một tô mì trộn cực ngon và lạ miệng.
Cách làm mỳ vằn thắn sủi cảo
Cách nấu mỳ vằn thắn sủi cảo cũng không có nhiều khác biệt so với 2 món mỳ vằn thắn trên. Nếu muốn "đổi gió" cho món mì này, bạn có thể thực hiện theo cách dưới đây:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Vỏ há cảo tươi: 400 - 500 gram
- Thịt heo xay: 300gram
- Gan heo: 300gram
- Thịt xá xíu (có thể thay bằng thịt chân giò): 300 - 400gram (tùy sở thích)
- Trứng gà: 2 quả
- Bóng bì lớn: 1 miếng lớn
- Rau các loại: cải, cải cúc, giá đỗ, hành lá, hành phi, ớt tươi
- Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, muối tinh, hạt tiêu, dầu hào, dầu ăn
Thực hiện:
Bước 1: Nấu nước dùng
Xương đuôi heo, xương gà chặt thành từng khúc to, rửa sạch rồi cho vào nồi cùng với tôm khô đã được sơ chế qua và giã nhuyễn. Cho nước vào và ninh nhừ trong khoảng 2-3 tiếng để nước dùng ngọt và béo, dậy mùi. Trong quá trình ninh xương nhớ hớt sạch bọt để nước dùng trong. Cuối cùng, sau khi xương nhừ, cho phần bóng bì heo vào và nêm nếm nước dùng vừa ăn, nấu thêm khoảng 30 phút thì tắt bếp.
Bước 2: Làm món ăn kèm
Sơ chế các nguyên liệu gồm gan heo, thịt chân giò với rượu trắng. Gan cho vào nồi luộc chín và thái mỏng. Thịt nạc trộn cùng mật ong, xì dầu, dầu hào mỗi thứ 1 thìa canh, 1 thìa café hạt nêm và chút ngũ vị hương, dầu vừng, ướp đều cho gia vị vào miếng thịt. Sau đó cho vào lò nướng ở nhiệt độ 220 độ C khoảng 10 phút, khi thấy thịt chín thì lấy ra, ta thu được phần thịt xá xíu.
Bước 3: Làm há cảo
Vỏ há cảo cuộn cùng thịt heo xay đã nêm nếm gia vị vừa ăn, một nửa hấp chín, nửa còn lại chiên giòn (nếu mua há cảo ngoài siêu thị có thể bỏ qua bước này)
Bước 4: Thưởng thức
Rau các loại để ăn kèm với há cảo đem sơ chế sạch và cắt khúc thành từng miếng vừa ăn. Sau khi nấu xong tất cả các nguyên liệu trên, cho nước dùng vào trong bát há cảo và cho thêm thịt, rau, hành vào rồi thưởng thức.
Lưu ý trong cách nấu mỳ vằn thắn
Thực hiện được một bát mỳ vằn thắn ngon được xem là khá cầu kỳ. Một tô mỳ vằn thắn “đúng điệu” phải đảm bảo yêu cầu:
- Sợi mì vàng ươm màu của trứng, có độ dai và mềm vừa phải.
- Phần sủi cảo vỏ vừa mềm bên ngoài, nhân bên trong có độ ngọt từ tôm, thịt và cay nồng của hạt tiêu.
- Thịt xá xíu bên ngoài có màu đỏ ươm, thịt trắng hồng thơm.
- Gan lợn luộc vừa chín tới, chắc nịch, ngậy bùi.
- Trứng luộc bổ cau cũng vừa chín tới, vẫn còn màu đỏ của lòng đào.
- Miếng bóng lợn có độ dai vừa phải, không quá mềm.
- Ngoài ra, mỳ vằn thắn ngon cũng không thể thiếu nấm và các loại rau để món mì thêm màu sắc, phong phú hơn.
Trên đây là một vài cách nấu mỳ vằn thắn tại nhà, hy vọng với bài viết này sẽ giúp bạn có thể chuẩn bị cho gia đình nhỏ một bữa ăn hấp dẫn, ngon miệng.