Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn đang trở thành quốc nạn. Không chỉ xuất hiện ở chợ, thực phẩm bẩn còn được bán ở siêu thị uy tín– nơi được người tiêu dùng gửi gắm niềm tin một cách nghiễm nhiên.
Gà thải được bán tại nhiều siêu thị với tên gà dai; nấm không rõ xuất xứ nghiễm nhiên vào siêu thị như nấm sạch; rau sạch trong siêu thị nhưng kém chất lượng như ngoài chợ; bán cả rau quả thối hỏng; “nho xanh Ninh Thuận" mang nhãn mác công ty nhưng thật ra là mua ở chợ Long Biên; hay cả dầu ăn, mắm cũng chứa hóa chất... là những bê bối của giới kinh doanh siêu thị gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
1. Thực phẩm bẩn là gì?
Thực phẩm bẩn là khái niệm sử dụng cho những loại thực phẩm có vẻ tươi ngon bên ngoài nhưng thực chất lại bị tẩm hóa chất, tiêm chất kích thích ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi sử dụng lâu dài.Chất lượng và quá trình sản xuất thực phẩm bẩn vô cùng đáng báo động.
Dùng thực phẩm bẩn, kém vệ sinh an toàn đã gây ra nhiều ca ngộ độc. Thống kê cho thấy trong số gần 5.000 ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm, phần lớn là do ăn phải thực phẩm chứa nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.
2. Vì sao siêu thị bán thực phẩm bẩn tràn lan?
- Vệ sinh an toàn thực phẩm còn tùy vào lương tâm của các nhà cung cấp.
Có không ít siêu thị tuy kiểm soát tốt nhưng vẫn lọt lưới không ít thực phẩm tồn dư lượng hóa chất vượt mức cho phép ở khâu thu mua và bảo quản.
Hiện nay, các cơ sở cung cấp thực phẩm cho siêu thị để có trong tay một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn là không hề khó. Đó là lí do khiến nhiều thực phẩm bẩn ở siêu thị vẫn được chọn mua.
Thực tế, các nhà cung cấp sẵn sàng thu gom thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng cung ứng cho hệ thống siêu thị.
- Mức xử phạt nhẹ
Mức xử phạt nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến các siêu thị vẫn kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.
Bên cạnh đó, thực phẩm bẩn len lỏi vào siêu thị còn bởi hoạt động không chuyên nghiệp do chưa chú trọng đến chính sách phát triển siêu thị.
3. Cách phân biệt thực phẩm bẩn theo chuyên gia dinh dưỡng
Một số cách để phân biệt thực phẩm sạch với thực phẩm dùng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu như sau:
- Đối với rau muống, người tiêu dùng không chọn rau cọng quá to, sợi quá dài, lá xanh sẫm, bẻ thấy giòn. Thay vào đó, bạn nên chọn rau ngọn nhỏ, lá dẻo. Màu nước rau muống bị phun hóa chất khi luộc sẽ có màu xanh nhạt.
- Đối với rau cải, không nên chọn rau cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, phần thân chắc, đều không có những lỗ nhỏ do sâu bọ gặm nhấm.
- Đối với mặt hàng dưa chuột, không nên chọn những quả thon đều, đẹp, xanh đậm bắt mắt.
Nên chọn dưa loại ngon nhất có màu xanh trắng, vỏ nhẵn mịn, có những mấu nhỏ nổi lên bên ngoà, cầm chắc tay.
- Để nhận biết tôm chứa hóa chất, bạn lưu ý loại tôm này thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống. Mình tôm bị phù đầu, gai vểnh và mình căng, các đốt trên thân tôm hay bị giãn ra.
- Để nhận biết thịt lợn bơm hóa chất, khi lựa chọn, người dùng không lựa chọn thịt toàn nạc vì nguy cơ chứa chất tạo nạc là cao.
Với những miếng thịt có màu sắc quá bắt mắt, cứng và ít đàn hồi vì sẽ có chứa tồn dư chất cấm, hóa chất.
- Nên chọn cá mắt không trắng, còn đọng máu và có màu đỏ là cá tươi. Không nên chọn cá khi ấn tay vào thân thấy mềm, mình cá lõm xuống, mắt cá lõm vào trong, có mùi lạ. Với cá ướp hàn the, người bán thường không cần ướp với nhiều đá nữa.
- Thịt bò tẩm hóa chất thường nhão, màu sắc không đều, không tự nhiên. Có nước rỉ ra từ miếng thịt khi thái thịt.
- Khi chọn gà, nếu nhìn thấy da gà có màu vàng ươm, đồng đều, có mùi hôi thì đó là gà có tiêm hóa chất
Tình trạng thực phẩm bẩn không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn gây mất uy tín của nhiều thương hiệu hàng hóa. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng sụt giảm trên thế giới. Để khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn ở siêu thị, chúng ta cần tăng xử phạt và đi kèm với giáo dục và tuyên truyền. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần biết cách phân biệt thực phẩm để tránh chịu thiệt hại và bảo vệ an toàn sức khỏe.