Liên quan đến sự việc chị N.T.K.T (21 tuổi, TP.HCM) tố báo bác sĩ N.Q.C có hành vi xâm hại, Thanh tra Sở Y tế, PA03 Công an TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu đang tích cực phối hợp xác minh, làm rõ.
- TP.HCM: Làm rõ thông tin cô gái 21 tuổi tố bác sĩ gợi ý ‘cho vui vẻ’ mới đưa thuốc trị ung thư cho mẹ
- Hy hữu: Trẻ vừa chào đời được 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết
Theo thông tin từ VietNamNet, chị K.T cho biết sau khi sự việc xảy ra, bản thân mình gặp rất nhiều áp lực. Khi mẹ chị nhận kết quả chẩn đoán ung thư, bác sĩ nói bệnh có thể hết, tiên lượng tốt lên đến 95%. Tuy nhiên, sau vài năm, tình trạng của mẹ ngày càng nặng, ung thư di căn và xâm lấn khiến mẹ chị rất yếu. Hiện bà đang ở nhà theo dõi.
Theo đơn tố cáo, chị T. cho rằng bác sĩ N.Q.C. đã lợi dụng tâm lý lo lắng và muốn cứu mẹ bằng mọi giá của mình, đòi “cho vui vẻ”, không chịu nhận tiền thuốc. Sau đó, người này xâm hại tình dục chị T. vào tháng 4/2023. Lọ thuốc được bác sĩ C. cho là "chỉ bán trong nội bộ, có kê toa và giám sát của bác sĩ", giúp mẹ chị T. kéo dài sự sống.
Cũng theo cô gái này, một bác sĩ của bệnh viện khác khẳng định lọ thuốc trên là "dỏm". Khi đó, chị cảm thấy "vô cùng buồn và bức xúc". Chị đã đăng tải thông tin về vụ việc lên Facebook, sau đó gửi đơn tố cáo đến Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu - nơi bác sĩ C. công tác.
"Mấy tháng trời qua tôi như bị trầm cảm", chị T. cho hay.
Trước đó, dẫn tin từ Dân Trí, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, bác sĩ N.Q.C. không được giao điều trị cho bệnh nhân liên quan sự việc. Loại thuốc bác sĩ này đưa cho con gái người bệnh cũng không phải thuốc bán nội bộ.
Theo đó, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, hiện tại Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành làm việc với đương sự. Bệnh viện cũng cho bác sĩ C. tạm dừng công tác chuyên môn để làm các thủ tục tường trình sự việc.
Lãnh đạo bệnh viện chia sẻ, sự việc của bác sĩ C. và người tố cáo (con gái của bệnh nhân Th., 55 tuổi) diễn ra bên ngoài bệnh viện, mang tính chất cá nhân. Sau khi biết thông tin sự việc, y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Th. ở khoa Y học hạt nhân rất buồn.
"Riêng với bệnh nhân này, các nhân viên khoa Y học hạt nhân đã chăm sóc rất kỹ. Kể cả các khoa chăm sóc, mổ cho bệnh nhân từ năm 2020, một khoảng thời gian dài đều rất ổn.
Khi xem lại đơn tố cáo, người ta cũng cảm ơn bác sĩ và tập thể bệnh viện đã chăm sóc họ tốt. Họ khẳng định nêu ra vì bức xúc với cá nhân bác sĩ trên.
Còn chuyện đúng sai đến đâu, chúng tôi vẫn đang tiến hành xử lý và sẽ có hướng dẫn từ Sở Y tế", đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nói.
Về loại thuốc trị ung thư nhắm trúng đích tên "Lenvaxen 10" do bác sĩ C. đưa cho con gái bệnh nhân, được cho rằng chỉ bán trong nội bộ, có kê toa và giám sát của bác sĩ, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định, đơn vị không có loại thuốc này.
"Sáng nay tôi đã gặp quản lý khoa Dược và được xác nhận thuốc (Lenvaxen 10) không phải của bệnh viện. Chúng tôi bán tên thuốc khác hoàn toàn.
Lúc bệnh nhân dùng loại thuốc trên lại không nằm ở bệnh viện chúng tôi mà đi ở bên ngoài, đi nhiều nơi khác", nguồn tin chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng khẳng định, bác sĩ N.Q.C. không được giao điều trị cho bệnh nhân có liên quan trong sự việc. Người phụ trách trường hợp này là bác sĩ phó trưởng khoa.