Từ vụ tử vong sau hút mỡ, nâng cấp “vòng 3”: Bác sĩ khuyến cáo gì?

Tin y tế 22/10/2023 11:47

Chấp nhận để có “vòng 3” hoàn hảo, nhiều người đã quyết định “trùng tu” nhan sắc để rồi gặp không ít biến chứng, thậm chí thiệt mạng.

Cô gái trẻ tử vong bất thường sau gần 1 tháng phẫu thuật thẩm mỹ

Theo thông tin từ Công an huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), một người phụ nữ 30 tuổi ở địa phương đã tử vong sau gần một tháng từ thời điểm phẫu thuật thẩm mỹ.

Cụ thể, ngày 26/9, người này đã thực hiện hút mỡ bụng, mỡ lưng và bơm mông tại một cơ sở ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ba ngày sau phẫu thuật, người phụ nữ về nhà với sức khỏe bình thường.

Đến ngày 15/10, bệnh nhân mệt mỏi, được gia đình đưa đi bệnh viện ở huyện Định Hóa thăm khám sau đó chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Khoảng 21h25 ngày 17/10, bệnh nhân được bác sĩ thông báo tiên lượng xấu, do đó gia đình đưa chị về nhà. Đến 23h cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Gia đình cho rằng con gái chết bất thường nên đã làm đơn trình báo Công an huyện Định Hóa, yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong.

Công an huyện Định Hóa cho hay đang chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc theo quy định.

Từ vụ tử vong sau hút mỡ, nâng cấp “vòng 3”: Bác sĩ khuyến cáo gì? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Những hiểm họa khi làm đẹp

Từ vụ việc trên, BS Mai Huy Huân, Trung tâm Thẩm mỹ và Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cảnh báo, hút mỡ là một đại phẫu tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thế nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, thực hiện hút mỡ ở các cơ sở không được cấp phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn.

Thậm chí, nhiều chị em tự tin giao tính mạng và sức khỏe của mình cho những người không phải là bác sĩ, hoặc là thực hiện hút mỡ ngay tại các phòng khám ngoài bệnh viện, nguy hiểm hơn là tại các spa.

"Hút mỡ phải được thực hiện ở khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện. Người thực hiện phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần phải được sàng lọc rất kỹ càng, cũng như được thông tin về các nguy cơ có thể xảy ra", BS Mai Huy Huân thông tin.

Theo BS Mai Huy Huân, bước đầu tiên, bệnh nhân cần phải được khám sàng lọc để kiểm tra sức khỏe và các bệnh lý nền.

Trường hợp phát hiện các vấn đề về cơ địa hoặc sức khỏe dẫn đến chống chỉ định, BS sẽ không được tiến hành hút mỡ.

"Trường hợp béo phì, cụ thể là có chỉ số BMI vượt 23 không được phép hút mỡ. Ngoài ra, các bệnh nhân gặp một số bệnh nền, đặc biệt là một số bệnh lý về tim mạch, hô hấp hay miễn dịch thì không được phép thực hiện hút mỡ.

Tuy nhiên, không ít các cơ sở sàng lọc không kỹ hoặc thậm chí đã phát hiện chống chỉ định nhưng vẫn cố tình tiến hành hút mỡ vì mục đích lợi nhuận, sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh nền sẵn có", BS Mai Huy Huân chỉ rõ.

Trong trường hợp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe để thực hiện dịch vụ hút mỡ, nguy cơ vẫn luôn rình rập ở các bước tiếp theo.

BS Mai Huy Huân cho biết, hút mỡ là một đại phẫu, cần phải gây mê khi thực hiện. Trong quá trình tiền mê, bệnh nhân phải dùng thuốc an thần, giảm tăng tiết… Trong quá trình này đã có thể xuất hiện biến chứng dị ứng, co thắt khí quản, phế quản hoặc các biến chứng khác.

"Đây là những tai biến có thể gây chết người. Do đó, quá trình gây mê phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức và tại bệnh viện có các phương tiện hồi sức, cấp cứu, để xử trí nếu không may có biến chứng xảy ra", BS Mai Huy Huân chia sẻ.

Còn trong quá trình hút mỡ, bác sĩ sẽ dùng que hút đưa vào mô mỡ và có các động tác để khiến các cục mỡ nhỏ li ti rời khỏi khối mỡ, di chuyển vào ống hút và được hút ra ngoài.

"Động tác chọc que hút vào mô mỡ, nếu thực hiện không chính xác, que hút sẽ gây tổn thương các mạch máu lớn gây hoại tử các mô xung quanh.

Nguy hiểm hơn, khi tĩnh mạch lớn bị tổn thương sẽ tạo "lối vào" cho các cục mỡ, khiến mỡ bị hút vào trong tĩnh mạch (vì tĩnh mạch có áp lực âm).

Các cục mỡ này khi bị hút vào sẽ theo dòng chảy tuần hoàn làm thuyên tắc các mạch máu và gây nguy hiểm cho cơ thể", vị bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Huân, trong những tai biến do hút mỡ, tắc động mạch phổi là tai biến nguy hiểm nhất, gây tử vong nhanh nhất. Tai biến này gặp ở nam nhiều hơn nữ, đặc biệt ở người béo phì.

"Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân làm đồng thời thủ thuật hút mỡ ra rồi dùng chính lượng mỡ đó để cấy vào các vùng khác trong cơ thể như mông, ngực thì nguy cơ tắc động mạch tăng lên nhiều", BS Mai Huy Huân nhấn mạnh.Một biến chứng nguy hiểm khác chính là nhiễm trùng sau phẫu thuật. Nguy cơ này đặc biệt cao nếu ca phẫu thuật tiến hành ở các cơ sở không đảm bảo về kiểm soát nhiễm khuẩn.

"Sau phẫu thuật bệnh nhân bị nhiễm trùng có thể gặp tình trạng mệt mỏi, đau đớn, sốt... Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng đây là tình trạng bình thường sau phẫu thuật nên chủ quan. Nếu không được xử trí, ổ viêm nhiễm có thể lan tỏa dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đây cũng là một tai biến rất nguy hiểm, có thể gây tử vong”, vị bác sĩ thông tin.

Lời kể kinh hoàng của 2 nạn nhân trong vụ tiêm filler bị lấy hết vàng: 2 lần uống thuốc lạ rồi thiếp đi, không còn biết gì

Đến nay, tình trạng hai người phụ nữ đã ổn, còn tụ máu và vùng mi mắt hai bên, thị lực nhìn rõ trong tầm 2m. Các bệnh nhân đang được hội chẩn lại với chuyên khoa Mắt để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

TIN MỚI NHẤT