Trước thông tin bệnh viện rút quân mang theo cả trang thiết bị do nhà hảo tâm hỗ trợ TP HCM, Bộ Y tế nói gì?

Tin y tế 17/10/2021 08:07

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện luồng thông tin cho rằng khi các bệnh viện lớn rút về đã mang theo toàn bộ trang thiết bị, trong đó có cả những trang thiết bị các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân TP HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế vừa thông tin chính thức về vấn đề này.

 

3 vấn đề cần làm rõ

Trong những ngày gần đây, sau gần 2 tháng hỗ trợ cho TP HCM, các bệnh viện lớn đã bàn giao lại các trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 cho ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản. Các bệnh viện lớn hỗ trợ cho TP HCM đã hoàn thành sứ mệnh của lực lượng chi viện với tất cả những kỹ thuật chuyên môn cao nhất và sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện luồng thông tin cho rằng khi các bệnh viện lớn rút về đã mang theo toàn bộ trang thiết bị trong đó có cả những trang thiết bị các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân TP HCM.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch Covid-19 cho biết: "Có 3 vấn đề cần phải làm rõ ở đây. Thứ nhất, các bệnh viện khi rút quân khỏi thành phố đã có kế hoạch và có sự bàn giao y tế tại địa phương rất rõ ràng. Thứ 2, Bộ Y tế không bao giờ để thiếu các trang thiết bị, thuốc men, máy móc, vật tư y tế để phục vụ cho người dân TP HCM . Thứ 3, hiện nay, vẫn có bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục hỗ trợ TP HCM và phụ thuộc vào yêu cầu thành phố có cần thiết phải hỗ trợ nữa hay không?".

Liên quan tới vấn đề bệnh viện tuyến Trung ương có rút trang thiết bị y tế hồi sức về lại hay không, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho hay: "Tất cả các trang thiết bị của các bệnh viện mang vào để hỗ trợ người dân TP HCM thì bệnh viện đó sẽ có kế hoạch để mang về. Còn các trang thiết bị tại bệnh viện dã chiến do các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ thì đều giữ lại hết để phục vụ cho người dân thành phố Hồ Chí Minh. Không có chuyện các bệnh viện rút quân về mang tất cả các trang thiết bị nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân thành phố".

Trước thông tin bệnh viện rút quân mang theo cả trang thiết bị do nhà hảo tâm hỗ trợ TP HCM, Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 1
Lễ bàn giao của Bệnh viện Bạch Mai

 Theo Thứ trưởng, các trung tâm hồi sức này sau khi lực lượng các bệnh viện Trung ương rút về thì vẫn đáp ứng đủ năng lực tiếp nhận, thu dung bệnh nhân nặng. Hiện Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175 vẫn giữ nguyên để tiếp tục thu dung bệnh nhân.

Các bệnh viện đã có kế hoạch rút quân

Ngày 15/10, nhân lực tại các trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai (tại Bệnh viện dã chiến số 16, Q.7), Bệnh viện Việt Đức (tại Bệnh viện dã chiến số 13, H.Bình Chánh) và Bệnh viện Trung ương Huế (tại Bệnh viện dã chiến số 14, Q.Tân Phú, cùng TP.HCM) đồng loạt được rút về.

Theo kế hoạch rút lực lượng y tế chi viện, trước ngày 15/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bàn giao trung tâm hồi sức của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định tiếp nhận bàn giao từ Bệnh viện Bạch Mai.

Là đơn vị triển khai sớm nhất, sáng 13/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 42 bệnh nhân được bàn giao từ Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức.

TS. BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Việt Đức, cho biết trung tâm đã được thiết lập, chính thức đi vào hoạt động và nhận bệnh nhân đầu tiên ngày 11/8. Trung tâm huy động gần 700 nhân viên y tế, trong đó có 605 người của Bệnh viện Việt Đức.

Xây dựng trung tâm từ con số 0, các nhân viên y tế ngày đêm làm việc, học tập với các chuyên gia truyền nhiễm để nâng cao chất lượng điều trị. 

Bệnh viện cũng đã xây dựng 30 quy trình để vận hành hoạt động của trung tâm, từ lúc người bệnh Covid-19 nhập viện đến khi ra viện, thậm chí cả quy trình xử lý bệnh nhân tử vong, trao trả tài sản, di vật… Cho đến nay, tròn 2 tháng, trung tâm đã điều trị được 971 bệnh nhân nặng; có gần 600 bệnh nhân ra viện.

Trước thông tin bệnh viện rút quân mang theo cả trang thiết bị do nhà hảo tâm hỗ trợ TP HCM, Bộ Y tế nói gì? - Ảnh 2
Bệnh viện Việt Đức ký bàn giao cho TP HCM.

Công việc giữa cuối tháng 8 đầu tháng 9 vô cùng căng thẳng, số lượng bệnh nhân trên địa bàn quá lớn, có những ngày thành phố lên tới hơn 10.000 ca nhiễm, tử vong hơn 300 người.

Tuy nhiên, trung tâm vẫn đứng vững, bình tĩnh tiếp nhận người bệnh và tích cực điều trị chăm sóc người bệnh Covid-19 đến ngày hôm nay.

Tại Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 16 của Bệnh viện Bạch Mai, sáng ngày 15/10 cũng đã diễn ra lễ bàn giao trung tâm cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

TS. BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, cho biết ngày 3/8, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trung tâm hồi sức và trong hơn 2 tháng qua, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị; 213 ca đã được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của người thân và các thầy thuốc, trong đó nhiều ca nguy kịch đã được cứu sống ngoạn mục.

"Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tất cả tiêu chí chúng ta kỳ vọng liên quan đến áp dụng điều trị, triển khai kỹ thuật hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Nhiều kỹ thuật, thủ thuật, những biện pháp điều trị mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam đã được triển khai tại trung tâm", bác sĩ Sơn cho biết.

Bệnh viện cũng chuyển giao hỗ trợ cho các tuyến dưới về mặt chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên và điều trị tối đa cho bệnh nhân tại trung tâm. Việc hỗ trợ này đã giúp cho các tuyến giảm được căng thẳng giai đoạn đầu. Cùng với việc được đào tạo tốt hơn, các nhân viên y tế tuyến dưới tự tin hơn trong tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

BS Sơn tâm sự, giai đoạn đầu tiên khi nhận nhiệm vụ thành lập trung tâm hồi sức trên nền tảng cơ sở vật chất rất thiếu thốn, bệnh viện đã phải chuyển rất nhiều trang thiết bị máy móc, thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu và xây dựng quy trình làm việc rất vất vả.

Bác sĩ Sơn cho hay: "Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến đại dịch có quy mô ảnh hưởng sâu rộng như vậy tại TP Hồ Chí Minh. Từ con số 0 chúng tôi đã xây dựng hệ thống làm việc ăn khớp tất cả các công đoạn tại trung tâm. Đây là giai đoạn rất vất vả, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố để có được một trung tâm tiếp nhận với số lượng bệnh nhân rất lớn".

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm: "Có thể 20-30 năm sau chúng ta sẽ nhìn đây như một công trình của thế kỷ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, chúng ta đã hoàn thành một trung tâm hồi sức với quy mô 360 giường ICU và 1 bệnh viện dã chiến 2.600 giường. Đặc biệt, nguồn nhân lực Bệnh viện Bạch Mai huy động vào là những thầy thuốc tinh nhuệ nhất, chia sẻ với TP Hồ Chí Minh".

2 vợ chồng nhiễm Covid-19 sau ngày họp phụ huynh: Thêm 5 công nhân liên hoan cùng người chồng dương tính

Liên quan đến 2 ca bệnh là vợ chồng có lịch trình phức tạp và chưa rõ nguồn lây, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 15 ca nhiễm mới.

TIN MỚI NHẤT