Vào mùa lạnh, chúng ta thường ít vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn. Ngoài ra, ngộ độc khí than do đốt sưởi ấm cũng là 1 mối hiểm hoạ khó lường.
- Học hết cấp 3 đã trở thành 'bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất Đà Nẵng': Cơ sở thẩm mỹ bị đình chỉ 2 năm, phạt tiền hơn 200 triệu
- TP.HCM: Uống nhầm nước rửa động cơ, bé 5 tuổi tử vong thương tâm sau vài giờ nhập viện
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, các sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược (TP.HCM) - cho biết nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó.
Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi, co mạch gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.
Vào mùa lạnh, chúng ta thường ít vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn.
Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ quánh của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị vón, lưu lượng máu đến não giảm.
Bên cạnh đó, mùa lạnh cũng khiến nhiều người cao tuổi mắc các bệnh lý đường hô hấp. Thời gian gần đây, Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều người cao tuổi đến khám do thời tiết giao mùa.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm để phòng ngừa bệnh vào trời lạnh, người dân cần phải giữ ấm cho cơ thể, nhất là ở người già, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Mùa đông nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16-18 độ C, thường xuyên uống một ly nước ấm trước khi ngủ và dùng các thực phẩm, đồ uống ấm có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, cần tập thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vận động cơ thể phù hợp. Đồng thời, kiểm soát tốt các bệnh lý đang có, cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao, ổn định đường huyết ở người bệnh đái tháo đường (người bị bệnh đái tháo đường thận trọng với các mảng xơ vữa gây thiếu máu não).
Bác sĩ Dương Thị Hồng Lý - trưởng khoa ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa trung ương - khuyến cáo người cao tuổi thường có sức đề kháng kém, cần chế độ dinh dưỡng cân đối, vận động hợp lý, uống đủ nước, vệ sinh môi trường sống, tiêm phòng đầy đủ.
Những người cao tuổi đang mắc các bệnh lý mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chế độ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm tránh bệnh nặng lên.
Bên cạnh đó, dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh là xảy ra những ca ngộ độc do sử dụng than để sưởi ấm. Nguyên nhân là khi đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí ôxy, sinh ra khí CO gây ngộ độc. Trong khi đó, khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.
Ngộ độc khí than là do thiếu ôxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Ngộ độc quá nặng sẽ gây tử vong, còn những người sống được thì lại mất trí tuệ. Càng ở phòng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó “bất thường” cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.
Nạn nhân bị ngộ độc khí CO sẽ có các biểu hiện như sau: Khởi đầu chỉ là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, làm người bệnh dễ nhầm là bị nhiễm virut. Có người thấy da đỏ nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.
Ở mức độ ngộ độc vừa: Nạn nhân thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
Khi bị ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nạn nhân thấy khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
Di chứng thần kinh, tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục người bệnh thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh - tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.