Bé trai bị hóc xương cá lóc trong tình trạng đâm xuyên amidan, con vô cùng hoảng loạn
- Vaccine ung thư và bệnh tim sẽ được ‘trình làng’ vào năm 2030
- Quảng cáo ‘rởm’ làm đầy ngực bằng sóng xung kích, nữ bệnh nhân gặp biến chứng suýt biến dạng ngực, loại chất màu hồng tương tự như silicon
Thông tin từ Báo Dân Trí cho hay, bé B.K. (1 tuổi, ngụ TPHCM) được gia đình đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói, khóc nhiều, tinh thần hoảng loạn.
Kể với bác sĩ, mẹ bé cho biết, trước đó chị cho con ăn dặm buổi sáng bằng cháo cá lóc, được tách xương, xé nhỏ thịt cẩn thận và nấu với rau thái nhỏ. Món này được làm mỗi tuần 2 bữa, và các lần trước bé đều ăn rất ngon lành. Tuy nhiên đến lần này, mới ăn vài muỗng bé đã khóc thét, bỏ ăn và nôn ói, dỗ thế nào cũng không nín.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai mũi họng của bệnh viện cho biết, qua khai thác thông tin từ người nhà và tiến hành nội soi qua đường miệng, nhân viên y tế thấy một mảnh xương cá dài cắm sâu vào vùng đáy amidan (tổ chức bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng) của bé. Bác sĩ tiến hành gắp xương qua nội soi, không gây mê ngay tại phòng khám.
Quá trình thực hiện thủ thuật, phụ huynh được hướng dẫn giữ con ở tư thế ngồi yên, trước khi dùng kềm gắp nhỏ lấy mảnh xương cá dài khoảng 4cm ra khỏi họng bé. Sau can thiệp, bệnh nhi hết đau, ngừng khóc, có thể ăn uống bình thường và được xuất viện.
"Nếu bé hoảng loạn, giãy giụa, nguy cơ làm gãy xương cá khi chưa lấy được ra khỏi họng của bé có thể xảy ra. Việc lấy đầu xương bị gãy cắm sâu trong họng sẽ khó khăn hơn và bác sĩ phải làm thêm một thủ thuật nữa, khiến trẻ khó chịu nhiều hơn. Ngoài ra, nếu gia đình chủ quan không cho bé đi bệnh viện sớm, dị vật có thể dẫn đến viêm mủ, loét và xuất huyết tại vị trí tổn thương." - bác sĩ Hằng nói.
Cũng theo Báo giadinh.suckhoedoisong, theo bác sĩ, hóc dị vật như xương cá là tình trạng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, do kỹ năng nhai nuốt của bé chưa hoàn thiện và chưa tự nhặt hoặc nhằn xương. Trường hợp hóc xương nghiêm trọng gây đau đớn, có thể dẫn đến xuất huyết hoặc tắc đường thở, đe dọa tính mạng, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi.
Nếu phát hiện muộn khi đã hình thành ổ áp xe vùng cổ, gây biến chứng nặng, việc lấy dị vật và điều trị các biến chứng khá phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ ăn những loại cá lớn thịt nhiều, xương ít, hoặc loại cá có xương lớn dễ bóc, như cá phi lê lóc thịt sẵn. Kể cả cá đã được nhặt xương, cha mẹ vẫn nên kiểm tra lại một lần nữa trước khi cho trẻ ăn.
Với trẻ lớn, cần hướng dẫn trẻ cách ăn uống chậm rãi, từ tốn, phòng hóc xương và xử trí khi hóc xương. Với trẻ nhỏ, cha mẹ tuyệt đối không để trẻ tự ăn cơm với cá, khi cá chưa được nhặt hết xương.