Trong tình hình hiện tại, có 3 loại bệnh có thể nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, Covid-19 và cúm mùa. Số ca mắc sốt xuất huyết nặng với chi phí rất cao.
- TP.HCM nóng oi bức, trẻ em nhập viện tăng cao: Bác sĩ Nhi đưa khuyến cáo
- 8 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không muốn bị phạt tới 3 triệu đồng
Theo thông tin từ Báo Dân Trí mới đây, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận 4 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nặng, rơi vào suy đa tạng, sốc.
Đặc biệt, có trường hợp vẫn đang nguy kịch, với viện phí điều trị rất cao. Theo đó, bệnh nhân cư trú tại Bình Phước, nhập viện ngày 15/4 với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng, suy gan thận, nhiễm trùng huyết.
Cách đây hơn một tuần, chị T. đang ngủ thì bất ngờ than mệt, lăn qua lăn lại không ngừng, ho và nôn ói dữ dội. Lo lắng, người chồng đưa vợ đi bệnh viện địa phương. Tại đây chỉ sau 2 ngày điều trị, chị T. diễn tiến nặng hơn và lâm dần vào hôn mê. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được đưa đến một bệnh viện tư nhân ở TPHCM nhưng tình trạng không cải thiện.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ekip điều trị đã tiến hành lọc máu liên tục, thay huyết tương 4 lần, cho bệnh nhân thở máy, dùng kháng sinh cùng nhiều biện pháp can thiệp khác. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân có tiến triển hơn, nhưng tổn thương gan thận chưa cải thiện hoàn toàn, chưa có nước tiểu, còn nhiễm trùng huyết.
Vì phải dùng nhiều biện pháp điều trị lại không có bảo hiểm y tế, viện phí của bệnh nhân đến nay đã hơn 250 triệu đồng. Để có thể cầm cự cứu vợ, anh Điểu Dai đã vay mượn những người xung quanh lẫn vay nóng hàng trăm triệu đồng.
"Với tình hình hiện tại, dự kiến bệnh nhân còn phải đóng khoảng 150 triệu đồng. Vợ chồng bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, sống bằng nghề làm rẫy nhưng năm 2022 mất mùa, thu nhập rất thấp."
Theo bác sĩ tại khoa ICU, tình hình thực tế điều trị hiện nay cho thấy, chủng sốt xuất huyết đang phổ biến là DEN-2, thường diễn tiến nặng hơn chủng DEN-1. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng có thể lâm vào sốc, suy đa tạng, tổn thương gan thận và nguy hiểm tính mạng, đi kèm chi phí điều trị rất cao. Ngoài trường hợp của bệnh nhân T., 3 trường hợp khác dù có bảo hiểm y tế nhưng viện phí cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cũng theo Tuổi Trẻ theo thống kê, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tăng 3,78 lần (trong đó sốt xuất huyết nặng tăng 5,5 lần). Số bệnh nhi khám ngoại trú tăng 0,7 lần so với cùng kỳ và đã có 2 trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết tử vong.
Theo bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở mọi đối tượng nhưng trẻ em dễ mắc bệnh hơn. Thông thường người mắc sốt xuất huyết có biểu hiện điển hình là sốt cao, kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn...
Đặc biệt khi diễn biến thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong thời gian 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, rất nhiều trường hợp khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hết sốt, cứ nghĩ đã khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại.
Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn này thân nhiệt sẽ giảm, không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục mà có khi vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh.
Dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng cần chú ý là: trẻ đau bụng dữ dội, ói ra máu, nôn ói liên tục (ra máu), chảy máu lợi, chân răng, thở gấp, mệt mỏi, bồn chồn, da lạnh ẩm… Cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện.
"Một số trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng do gia đình tự ý dùng thuốc nhóm ibuprofen và aspirin để hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa cho người bệnh.
Một số trường hợp còn tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận….
Theo các chuyên gia, ở miền Bắc bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều vào tháng 3 - 4 và khoảng từ đầu tháng 7 - 11 hằng năm do đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn gây bùng phát dịch. Ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào trong năm cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.
Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Theo khuyến cáo, các trường hợp người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên trước hết khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
Người bệnh cần uống nhiều nước, ăn các món mềm có nước, dễ tiêu hóa; dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ (chủ yếu Paracetamol) hoặc uống Oresol để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Lưu ý, không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.