WHO khuyến cáo cần đưa việc tiêm phòng vaccine COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiếp tục tiêm chủng các mũi tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
- Sóc Trăng: Ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do COVID-19
- Điện Biên bác bỏ 2 ca tử vong vì COVID-19, ghi nhận 149 ca mắc trong tỉnh
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, thống kê của đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế cho biết, đến ngày 11/5, tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 266.312.906 mũi. Số mũi vaccine đã tiêm trong ngày 11/5 là 6.452 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó 3.405 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 3.047 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.116.777 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 81,8%); Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 17.848.445 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 89,1%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 69,3%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.676.681 mũi tiêm, trong đó mũi 1: 10.219.715 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 92,6%); Mũi 2: 8.456.966 mũi tiêm (76,6%).
Theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới: Các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.
Theo khuyến cáo của US CDC Hoa Kỳ thì tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vaccine cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất.
Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vaccine COVID-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, trong tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản.
Chuyên gia khuyến cáo đặc biệt với những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 20/4/2023, Sở Y tế TP.HCM chính thức kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại TP có dấu hiệu tăng, miễn dịch cộng đồng giảm, xuất hiện các biến thể phụ của Omicron.
Thông tin từ VTV News, chiến dịch sẽ bao gồm 4 hoạt động chính:
Hoạt động 1: Cập nhật danh sách và quản lý.
Hoạt động 2: Tổ chức tiêm vaccine đầy đủ nhóm nguy cơ (đảm bảo tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt tối thiểu 90%).
Hoạt động 3: Chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19.
Hoạt động 4: Tổ chức truyền thông, tư vấn và giáo dục sức khỏe.
Để "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" thành công, cần có sự tham gia và hưởng ứng của người dân. Trong đó, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đủ liều và đúng lịch là vô cùng cần thiết, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi…). Vì đây là những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc COVID-19.