Theo đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến thời gian nghỉ thai sản của nam giới nên tăng 1-3 tháng.
- TP HCM: Sản phụ 32 tuổi tự sinh con trong nhà tắm vì bé ‘đòi’ ra trước 10 ngày
- Một bệnh nhi mắc bệnh viêm gan cấp tử vong không rõ nguyên nhân ở Nhật Bản
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, dẫn chứng từ Phần Lan - quốc gia cho cả cha và mẹ được hưởng 160 ngày nghỉ phép có lương và đều hưởng quyền như nhau, WIB SC cho hay, Ngân hàng Thế giới cũng đã thông báo, dựa trên dữ liệu họ đã thu thập được, mỗi đứa bé sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ được nghỉ phép 6 tháng.
"Chúng tôi nhận thấy rằng việc tăng thời gian nghỉ thai sản ở Việt Nam từ 5 - 14 ngày làm việc cho người cha lên đủ 6 tháng sẽ là một thay đổi đáng kể. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thích nghi ban đầu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tăng dần thời gian nghỉ thai sản và trong dự thảo luật Bảo hiểm Xã hội lần này, nên tăng thời gian nghỉ sinh con lên tối thiểu 1 tháng", EuroCham và WIB SC đề xuất.
Dự thảo đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đến hết ngày 30/4 và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào đầu tháng 6, trước khi trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, việc người bố nghỉ phép chăm con là chuyện tích cực đối với gia đình của chính họ. Theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nghỉ phép dài ngày hơn có liên quan đến việc tăng cường gắn kết, dẫn đến cải thiện sức khỏe cũng như kết quả phát triển cho trẻ em. Khi các ông bố nghỉ phép, nó cũng giúp các bà mẹ được đi làm, thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tiền lương của họ.
Nội dung đề xuất nói trên rất nhân văn, nam giới đương nhiên cũng phải được nghỉ thai sản vì không chỉ bà mẹ mới có con mà là con chung. Khi vợ sinh con, chồng cũng vất vả do phải chăm sóc con nhỏ và vợ còn yếu sức sau khi vượt cạn. Nhiều gia đình công nhân viên chức, không có người thân giúp đỡ, điều kiện kinh tế khó khăn, khi vợ sinh nở chỉ biết dựa vào chồng trong giai đoạn con còn ít tháng; người chồng phải nghỉ phép để chăm vợ hoặc vừa đi làm vừa tranh thủ chăm vợ, con khá vất vả, chật vật.
"Do vậy tôi ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 5 - 14 ngày làm việc lên 1 tháng. Đây là mức tăng không quá lớn nên trong khả năng có thể nghiên cứu của cơ quan quản lý. Việt Nam không thể so sánh với Phần Lan khi cho nam giới nghỉ thai sản đến 6 tháng, nhưng hoàn toàn có thể nghiên cứu nghỉ 1 tháng", GS Nguyễn Đình Cử cho hay.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đề xuất của WIB SC thể hiện sự tiến bộ trong xây dựng chính sách, rất đáng hoan nghênh. Việt Nam sắp bước vào giai đoạn dân số già, tỉ lệ sinh đẻ ngày càng giảm. Người trẻ có xu hướng ngại đẻ, số lượng con sinh ra trong các gia đình trẻ bây giờ cũng đang giảm mạnh. "Ngay ở nhà tôi, các con đều nói sinh đẻ vất vả, nuôi dạy con rất mất thời gian nên chúng chọn cách chỉ sinh 1 đứa thôi", ông Túc nói.
"Nên tăng thời gian nghỉ thai sản ở nam giới như hiện nay từ 5-14 ngày lên 1 -3 tháng sẽ phù hợp với nước ta hơn. Nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép, chúng ta có thể đặt ra lộ trình tăng dần dần. Trước mắt nam giới có thể được nghỉ 1 tháng, nhưng sau 3-5 năm nữa sẽ tăng lên 2 tháng rồi 3 tháng khi tài chính cân đối được.
Theo Dân Trí, trước đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc. Khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì chồng được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trường hợp vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con, người bố được nghỉ thêm ba ngày làm việc. Bên cạnh đó, trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Ngoài ra, trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì người này được hưởng trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng.
Theo dự thảo, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng bảo hiểm mà có vợ sinh con.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng/con sinh ra.
Về đề xuất này, ông Nguyễn Duy Cường cho hay, theo quy định luật hiện hành, hiện người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đang được hưởng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, tương đương tỷ lệ đóng là 22%. Mức đóng cụ thể ra sao do người lao động lựa chọn.
Liên quan đến việc không đưa chế độ ốm đau vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, qua đánh giá, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người lao động khu vực phi chính thức, mức thu nhập không ổn định.