Khoảng 3 tháng trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên bị căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Bệnh nhân bị đau nặng ngực nhưng chủ quan không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể bị nhồi máu cơ tim.
- Một bệnh nhi phải cắt bỏ 1 bên mắt dù không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bác sĩ lưu ý đặc biệt cho phụ huynh khi chăm sóc mắt cho trẻ
- Tâm điểm Covid-19 ở Ấn Độ: Xuất hiện thêm các triệu chứng mới như chảy máu mũi - miệng, lú lẫn, bệnh nhân dưới 18 tuổi 'tăng chóng mặt'
BV ĐHYD TP.HCM gần đây tiếp nhận điều trị cho anh Hoàng Minh N. (35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Sau khi thực hiện điện tâm đồ và men tim, các bác sĩ chẩn đoán anh N. bị nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp mạch vành cho thấy một nhánh lớn đã bị tắc. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật tiên tiến, can thiệp mạch để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương. Vì được can thiệp kịp thời, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, tránh được các biến chứng nguy hiểm. Anh N. cho biết anh không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng đang theo dõi điều trị đái tháo đường tuýp 2. Khoảng 3 tháng trở lại đây, anh thường xuyên bị căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Thỉnh thoảng anh N. có cảm giác đau nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể bị nhồi máu cơ tim.
ThS BS. Vũ Hoàng Vũ – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch BV ĐHYD TP.HCM cho biết, nhồi máu cơ tim đa phần do xơ vữa động mạch nuôi tim, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: co thắt động mạch vành, chấn thương tim, bệnh cơ tim do stress.
Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như giới tính nam, người cao tuổi, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động… Càng có đồng thời nhiều yếu tố kể trên thì khả năng bị nhồi máu cơ tim càng cao. Ở người trẻ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim.
Theo ThS BS. Vũ Hoàng Vũ, triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực: Đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 - 30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.
Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Chính vì vậy, ngay có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
ThS BS. Vũ Hoàng Vũ khuyến cáo, tỉ lệ tái phát nhồi máu cơ tim trong khoảng từ 10-14%, đặc biệt ở người có nhiều yếu tố nguy cơ, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý đi kèm và người đã bị nhồi máu cơ tim nhưng bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị. Do đó để phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, người bệnh nên tuân thủ việc sử dụng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, người chưa bị nhồi máu cơ tim nhưng có yếu tố nguy cơ nên chủ động tầm soát, thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.