Thai phụ đứng trước cơn 'thập tử nhất sinh', máu chảy ồ ạt khi sinh con vì mắc sốt xuất huyết.
- Lào Cai: Lớp học có 5 em học sinh ngộ độc nghi do trà sữa tự pha
- Phú Thọ: Bé trai bị nhiễm virus khiến cả người tím tái, ngưng thở, nguy hiểm không kém COVID-19
Theo thông tin từ Báo VOV, nếu như đầu tháng 8/2023, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 500-600 ca/tuần thì đầu tháng 9 đã vượt mốc 1.000 ca/tuần, trong đó, ghi nhận ca tử vong.
"Với sốt xuất huyết dengue thường chúng ta có hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, còn với sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo như đau, triệu chứng nặng thì chúng ta phải cho nhập viện và trong số sốt xuất huyết dengue nhập viện, thoát dịch, thậm chí bệnh nhân sốc do thoát dịch, phải nhập viện cấp cứu, chống sốc bù dịch đúng để cứu sống bệnh nhân", TS.BS Nguyễn Văn Lâm chia sẻ trên VOV cho hay.
Dù số bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện tại các cơ sở y tế tăng cao từng tuần, trong đó có không ít ca nặng và mới đây đã ghi nhận 1 nam thanh niên 19 tuổi ở quận Hà Đông và 1 nữ bệnh nhân 45 tuổi ở quận Hoàn Kiếm tử vong, song tại không ít địa bàn, người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, chủ quan trước sốt xuất huyết.
Thông tin từ Báo VietNamNet, ngày 29/9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cấp cứu cho một trường hợp sản phụ nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết.
Bệnh nhân là N.T.T (28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) vào bệnh viện cấp cứu vì sốt xuất huyết, mang thai ở tuần 35 có dấu hiệu chuyển dạ và tiền sản giật.
Các bác sĩ khoa Sản của bệnh viện đã lập tức mổ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân có dấu hiệu giảm tiểu cầu nặng, quá trình mổ chảy máu không ngừng. Bác sĩ phải thực hiện khâu cầm máu ngay lập tức và dẫn lưu máu, cố gắng để giữ lại sự sống cho cả hai mẹ con. Sau mổ, chị T. tiếp tục rơi vào tình trạng nguy hiểm nhanh chóng được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thời điểm chuyển lên khoa, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê. Tiên lượng tử vong của bệnh nhân trên 90%.
Mỗi ngày, bệnh nhân phải truyền khoảng 2 lít tất cả các chế phẩm máu như hồng cầu, tiểu cầu, yếu tố đông máu. Đến nay, sau 2 tuần bệnh nhân đã phải truyền tổng cộng 58 đơn vị các loại chế phẩm máu, tương đương hơn 11 lít máu.
Sau nhiều nỗ lực, tạm thời, các chỉ số về đông máu, cầm máu của bệnh nhân ổn định hơn, tiểu cầu trở lại bình thường. Các vết mổ của bệnh nhân không còn chảy máu. Bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Đây là một trong 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhất, phải thở máy đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đa phần đều là bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến rất nặng nề.
Cũng theo Báo Dân Trí, theo BS Thu Hà, niềm vui nhân đôi khi em bé chào đời khỏe mạnh, cân nặng đạt 2,5kg. Hiện tại thai nhi được xuất viện về nhà với sự chăm sóc của gia đình.
"Được gặp con có vui không?", BS Hà nhìn thai phụ và hỏi. Người phụ nữ vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, tuy không thể trò chuyện nhưng nhanh chóng gật đầu, ánh mắt tràn ngập niềm hạnh phúc và sự hi vọng.
Từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tăng lên đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội.
Có khoảng 5% bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại viện có tình trạng nặng.
Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tái khám của bác sĩ để có lộ trình chăm sóc sức khỏe tốt nhất.