Trên tinh thần tự nguyện, để sàng lọc người nhiễm nCoV trong cộng đồng, Cần Thơ sẽ test nhanh COVID-19 60.000 người
- Ngày 22/4: Có 2.337 ca COVID-19 mới
- Thủ tướng có chỉ đạo mới yêu cầu đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động ứng phó COVID-19
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ thông tin trên VnExpress mới đây, cho hay, đây là hoạt động của dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV phát hiện Covid-19 trong cộng đồng do tổ chức Clinton Health Access Initiative, Inc (CHAI) tài trợ.
Các trường hợp được xét nghiệm là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh, giáo viên, nhân viên trường học, người không nơi nương tựa, người già, người có bệnh nền, tiểu thương, người lao động trong khu công nghiệp...
Việc xét nghiệm trong thời điểm này là cần thiết và phù hợp, để sàng lọc nhanh các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, từ đó ngăn dịch không bùng phát, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc. Tuy nhiên, ông Trúc cho hay việc xét nghiệm dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, không bắt buộc như năm 2021.
Đối với người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, CDC Cần Thơ chỉ định lấy mẫu gửi về cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm RT-PCR để khẳng định, sau đó lên phác đồ điều trị kịp thời.
Hiện mỗi ngày Cần Thơ ghi nhận 1-3 ca nhiễm nCoV ở mức độ nhẹ, dự báo tăng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Đến nay, 89% người lớn và 88% trẻ em ở địa phương này đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Sở Y tế Cần Thơ khuyến cáo người dân duy trì biện pháp 2K (khẩu trang + khử khuẩn) và vaccine để phòng chống Covid.
Tình hình Covid nóng trở lại hơn 10 ngày qua, có ngày thêm hơn 2.000 ca. Bộ Y tế ghi nhận nhiều địa phương đang tăng ca nhiễm, trong đó cao nhất là Hà Nội. Hai biến chủng mới của Omicron được phát hiện là XBB.1.5 (TP HCM) và XBB.1.9.1 (Hà Nội), đều có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng làm tăng ca nặng.
Các triệu chứng Covid đợt này không thay đổi so với trước, chủ yếu ho, sốt, đau họng, mỏi cơ. Tỷ lệ ca nặng là 1,1-1,4%, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền. Các bác sĩ nhận thấy triệu chứng Covid càng ngày càng giống cảm cúm, phải test mới xác định được chính xác bệnh.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống tại TP.HCM, trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 có xu hướng giảm và sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, UBND TP.HCM đã chỉ đạo ngành y tế TP và UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ nay tới 30/6. Cụ thể:
Rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ: UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, bao gồm: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi.
Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19: Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều; vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ cho người sống chung, người cùng gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ.
Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19: Hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19. Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định. Thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị.
Tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe: Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người. Thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 và thông báo với cơ quan y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, ngay khi xuất hiện một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cần báo ngay cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.