Bà N.T.Đ., (77 tuổi, ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà, Phú Yên) vào Khoa Chấn thương chỉnh hình vì bị sưng tấy đỏ vùng ngực phải.
- Thấy con sốt cao, co giật, mẹ nhét đũa ngang miệng khiến trẻ gãy răng, sưng môi: Bác sĩ cảnh báo 'tính mạng có thể gặp nguy hiểm'
- Dịch cúm A hoành hành miền Bắc, nhiều địa phương bước vào đỉnh dịch, bệnh viện quá tải
Theo thông tin từ VTV, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng do sử dụng thuốc nam không đúng cách trong điều trị các bệnh lý, chấn thương cơ xương khớp.
Bà N.T.Đ., (77 tuổi, ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà, Phú Yên) vào Khoa Chấn thương chỉnh hình vì bị sưng tấy đỏ vùng ngực phải.
Trước đó một tuần, bà bị đau chói vùng ngực phải sau một cơn ho mạnh, đi khám ở phòng khám tư nhân được chẩn đoán rạn xương sườn 5,6,7,8 bên phải. Để giảm đau, bà đã tìm đến "thầy thuốc nam" để đắp lá (không rõ loại) với hy vọng giảm đau.
Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau, bà thấy vùng ngực phải sưng nhiều, tấy đỏ lan rộng dần. Bà được người nhà đưa đi khám và nhập viện.
Các bác sĩ chẩn đoán bà bị áp xe dưới da vùng thành ngực phải, đã tiến hành phẫu thuật, tháo mủ, để hở da. Sau gần một tuần điều trị, vùng ngực đã hết sưng, vết mổ đang lên mô hạt đỏ, chuẩn bị khâu đóng mép da.
Trường hợp khác ông L.C.D., (69 tuổi, ở phường 3, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên), sau té xe 2 tháng vẫn còn đau vai phải, ông đi khám ở phòng khám tư, được chẩn đoán gãy xương đòn phải. Sau đó ông tìm đến phương pháp dán "thuốc nam" cho đỡ đau và mau lành xương.
Tuy nhiên sau vài ngày, ông bị sốt, vùng vai phải sưng lên nhiều, sờ thấy nóng, các bác sĩ đề nghị ông nhập viện để điều trị. Ông được chẩn đoán bị áp xe vai phải, hủy xương đòn phải, được mổ tháo mủ vùng vai.
Trên đây là những ví dụ về biến chứng tại chỗ khi dùng thuốc nam sai cách. Còn có những trường hợp kém may mắn hơn khi thuốc gây biến chứng nặng ở các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi.
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tinh trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm: allopurrinol (thuốc điều trị bệnh Gout), thuốc chống co giật nhân thơm, các loại thuốc kháng sinh, lamotrigine (thuốc chống động kinh), thuốc hạ sốt, giảm đau không steroid, nhóm dẫn xuất oxicam.
Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là kháng sinh nhóm sulfonamid, phenobarbital, carbamazepin và lamotrigine. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý, liên quan đến gen,... Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng, nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.
Các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như: khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước ....nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.