Bé trai nhập viện trong tình trạng tím tái, ho ra máu do nuốt dị vật là cục tẩy trên đầu bút chì.
- Hà Đông: Trẻ em đến khám, điều trị bệnh thủy đậu tăng 30%, bệnh có nhiều biến chứng
- Virus Marburg ngày càng lan rộng, chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), đơn vị này đã điều trị cho bé trai T.P.A. (7 tuổi, sống tại tỉnh Sóc Trăng) bị sốc dị vật.
Trước đó, khi đang giải bài tập, bé A. vừa suy nghĩ vừa cắn cục tẩy ở phần đầu bút chì. Không may, khi phần đầu cục tẩy lẫn vòng kim loại bên ngoài rơi ra, bé vô tình nuốt phải, khiến dị vật rơi vào đường thở. Ngay sau đó, bé A. ho sặc sụa, tím tái, khạc ra máu và nhập viện trong tình trạng khó thở.
Sau khi đến bệnh viện tỉnh, trẻ được chỉ định chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, khi vừa nhập viện, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chụp X-quang phổi và CT scan đường thở. Kết quả kiểm tra cho thấy dị vật nằm ở phế quản trung gian bên phải của trẻ.
Sau khi hút sạch đờm, các bác sĩ dùng kìm cá sấu gắp, kéo và xoay trở dị vật từ từ ra khỏi đường thở. Dị vật là nắp nhôm bao quanh cục tẩy bút chì.
Theo Báo Sức khỏe và đời sống trước đó, bé trai Trần Văn H. (8 tuổi, ở Lào Cai) nghịch ngợm ngậm đầu bút bi trong miệng và không may bị sặc, khiến đầu bút rơi vào cơ thể. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện tuyến tỉnh kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi tai mũi họng và nội soi dạ dày nhưng không phát hiện dị vật. Thăm khám thấy tình trạng bé H. ổn định, các bác sĩ cho bé về nhà theo dõi.
Tới ngày 27/11 cha mẹ nhận thấy bé H. có biểu hiện ho thành cơn, khó thở nhẹ khi gắng sức nên đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi nội soi phế quản cho bệnh nhi, các bác sĩ đã phát hiện và lấy ra dị vật là một đầu bút bi dài 1,4 cm ở phế quản gốc bên trái của bé H.
Theo TS. BS. Lê Thanh Chương – Khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em thường có thói quen ngậm thức ăn hoặc nhặt đồ vật nhỏ bỏ vào miệng, người lớn trong khi làm việc đôi khi cũng hay ngậm bút hay các vật dụng nhỏ khác. Vật lạ nằm trong miệng có thể vô tình rơi vào đường thở hay đường tiêu hóa khi nạn nhân đột ngột hít vào mạnh, cười lớn, khóc lớn, cảm thấy ngạc nhiên hoặc sợ hãi…
Mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở. Tùy lứa tuổi mà dị vật có thể khác nhau: tuổi nhỏ thường là từ đồ ăn (hạt lạc, hạt hướng dương, hạt đậu, xương, tôm, cọng rau…) hoặc đồ chơi (đinh vít, còi nhỏ, mảnh nhựa…); tuổi học đường thường gặp dị vật từ dụng cụ học tập (đầu bút, lò xo, đinh bấm…); đôi khi dị vật đường thở là dụng cụ y tế như kim tiêm, kim diệt tủy răng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sặc, hóc dị vật là tai nạn nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ngay do ngạt hoặc gây những tình trạng bệnh lý phức tạp như suy hô hấp, tràn khí màng phổi, chảy máu phổi, nôn máu, áp xe trung thất…
Do vậy, trong trường hợp trẻ bị sặc dị vật thì cần tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng các kỹ thuật và phương tiện phù hợp. Sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời...