Tại Phú Thọ, chỉ trong 1 tuần, toàn tỉnh phát hiện 178 ca dương tính với SARS-CoV-2, điều đáng chú ý là có ca không rõ nguồn lây.
Đặc biệt, tại Phú Thọ hiện nay, dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh đã ghi nhận 31/178 ca bệnh là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Thụy Vân, như tại công ty YAKJIN Việt Nam, công ty KSA, công ty TNHH công nghệ Namuga, công ty Gemywood, công ty TNHH TJB Vina...
Đây là điều đáng lo ngại do các khu, cụm công nghiệp tập trung đông người lao động. Do đó, nguy cơ lây nhiễm trong các khu, cụm công nghiệp rất cao nếu không tuân thủ các biện pháp an toàn dịch.
Ngoài ra, các trường hợp vừa được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao chưa rõ nguồn lây, nên nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra cộng đồng rất cao.
Kết quả điều tra, truy vết các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cho thấy các bệnh nhân có lịch sử di chuyển khá phức tạp.
Theo PGS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng các sự kiện Y tế khẩn cấp của Bộ Y tế, với thực tế hiện nay dịch đã tồn tại lâu trong cộng đồng, bất cứ tỉnh nào cũng có nguy cơ bùng phát dịch. Tất cả các vấn đề này đều đã được dự đoán. Hiện tại, các tỉnh đã bắt đầu thực hiện Nghị định 128 thì nguy cơ càng cao hơn.
PGS Phu cho rằng các địa phương vẫn có nguy cơ bùng phát dịch là vì:
Thứ nhất, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các địa phương chưa đồng đều, nhiều tỉnh còn thấp.
Thứ hai, tiêm vắc xin rồi vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 và có khả năng lây lan cho người khác và đặc biệt quan ngại nếu người đó chưa tiêm vắc xin, mắc bệnh nền, người già.
Thứ ba, những người dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin.
KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN, LƠ LÀ
PGS Phu cho rằng ở thời điểm này, các địa phương không được lơ là, chủ quan. Các tỉnh vẫn phải tiến hành truy vết, xét nghiệm đánh giá nguy cơ, phong toả nhỏ nhất có thể để ít ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội.
Hiện nay, các tỉnh đều "mở cửa" theo Nghị định 128 của Chính phủ, người dân đi lại dễ dàng hơn, người dân ở các tỉnh phía Nam trở về quê. PGS Phu cho rằng những người về quê nếu không khai báo trung thực sẽ rất khó cho cơ quan chức năng phân loại, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Do đó, người về từ vùng dịch phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly. Các khu cách ly tập trung của địa phương cần giám sát chặt chẽ, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Khi cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, người dân phải triệt để gia đình cách ly với gia đình, tuân thủ 5K.
Vị chuyên gia dịch tễ cũng lo ngại nếu dòng người này trở về địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ bùng phát dịch, gây ra hệ lụy, tạo gánh nặng cho hệ thống điều trị. Thậm chí các đối tượng nguy cơ cao dễ nhiễm bệnh và có thể tử vong. Vì vậy, các địa phương phải kích hoạt trở lại khu điều trị F0 không triệu chứng để sẵn sàng tiếp nhận công dân trở về từ các tỉnh, hạn chế bệnh nặng lên.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM - cũng cho rằng không riêng Phú Thọ mà bất cứ địa phương nào cũng có nguy cơ bùng phát dịch khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp và người dân đi lại nhiều.
PGS Dũng cho rằng với người dân về từ vùng dịch, cần cố gắng tuân thủ quy tắc phòng chống dịch của địa phương và đặc biệt không nên có tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Theo ước tính, nếu người dân tự giác khai báo y tế, xét nghiệm khi có triệu chứng thì chuỗi lây nhiễm có thể dừng ở 25-36 người trong vòng 10-15 ngày, trong khi nếu họ không tự giác thì chuỗi lây nhiễm có thể lên đến khoảng 75 người và phải trên 20 ngày mới phát hiện được. Điều này một mặt sẽ khiến dịch bùng phát, mặt khác sẽ khiến sinh mạng của người dân có thể bị ảnh hưởng nếu được chữa trị quá muộn.
Trong trường hợp người dân không có triệu chứng nhưng mang virus và vô tư đi lại vì không phải cách ly tập trung, chuỗi lây nhiễm có thể lên đến 2.000 người mới được phát hiện.
Dịch khi đó đã 'ăn sâu' vào cộng đồng và kiểm soát sẽ rất khó khăn. Vì vậy, trong công tác chống dịch mới, PGS Dũng cho rằng ý thức của người dân vô cùng quan trọng.