Nhận thấy tình hình cấp bách, các bác sĩ đã tiến hành cứu mẹ và mổ bắt con là bé sơ sinh nặng 800gr.
- Thiếu niên 14 tuổi phải cắt ‘bộ phận quan trọng’ vì mắc chứng bệnh nguy hiểm: Bác sĩ cảnh báo nhiều người gặp phải hiện nay
- Quảng Ninh: Ngộ độc sau khi ăn 1/2 con so biển, người đàn ông tê liệt chân tay, rối loạn cảm giác
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Đạo cùng ekip của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin trên Báo Sức khỏe và đời sống, bệnh viện tiếp nhận sản phụ bị tiền sản giật nặng ở gần tuần thứ 30 của thai kỳ, bé sơ sinh chỉ nặng 800g do thiếu oxy và dinh dưỡng.
Cụ thể, sản phụ sinh năm 1983, có địa chỉ thường trú tại tỉnh Cao Bằng, phát hiện tình trạng tăng huyết áp ở tuần thứ 27 của thai kỳ. Sau một thời gian điều trị tại địa phương, bệnh nhân đã xuống Hà Nội để thăm khám.
Sản phụ được bác sĩ cho sử dụng thuốc hạ huyết áp, đồng thời theo dõi liên tục, hẹn 2 ngày khám lại một lần. Tuy nhiên, do tình trạng của sản phụ diễn biến nặng quá nhanh, bác sĩ đã yêu cầu sản phụ đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi và điều trị sớm.
Khi vào điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ tiếp tục được các bác sĩ cho dùng thuốc hạ huyết áp, magnesium sulfate, cộng với theo dõi sát tình trạng của thai nhi bằng máy monitor ngày 3 lần. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bị mất sóng tâm trương động mạch rốn, tim thai dao động kém, thiếu oxy và dinh dưỡng rất nhiều. Nếu không mổ lấy thai, thai nhi sẽ có nguy cơ mất tim thai trong bụng mẹ.
"Sản phụ đã được chỉ định mổ lấy thai ở thời điểm 29 tuần 3 ngày vào lúc 2h30 chiều 16/3. Trong ca mổ, các bác sĩ đã đón em bé nặng 800g, chỉ số appgar 67. Vì non tháng nên sau khi ra đời, bé sơ sinh được đặt trong túi nilon để giữ thân nhiệt, sau đó chuyển sang phòng hồi sức nhi sơ sinh để các bác sĩ theo dõi tình trạng của bé", BS Nguyễn Trung Đạo thông tin.
Hiện tại, bé sơ sinh đang được chăm sóc đặc biệt, còn sản phụ được theo dõi tại phòng hồi sức sau mổ. Dự kiến hôm nay (17/4) sản phụ sẽ được chuyển sang khoa A4 của bệnh viện để tiếp tục theo dõi.
Theo Cổng thông tin của Bộ Y tế, trước đó, nhiều ca mẹ mang thai tiền sản giật nặng, rất nguy hiểm. Vào lúc 12h30 phút ngày 7/1/2023, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cũng tiếp nhận thai phụ (25 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng ngất xỉu, co giật liên tục, huyết áp tăng, phù toàn thân, khó thở, suy hô hấp và nôn sặc không cầm, bụng đau âm ỉ.
Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản, Cấp cứu, Hồi sức tích cực… tiến hành cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán thai phụ mang thai con so, thai 37 tuổi bị sản giật nặng trên nền bệnh beta thalassemia. Do đó, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó với nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ con, nhất là khi các bác sĩ không đo được nhịp tim của thai nhi qua máy monitor. Ca mổ diễn ra trong sự căng thẳng lo lắng và hồi hộp của thầy thuốc và gia đình thai phụ…
Thống kê tại Việt Nam, sản giật chiếm khoảng 10,7 – 18,4% các trường hợp tử vong ở thai phụ. Sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ gây hôn mê sâu, thậm chí đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.
Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật. Cơn sản giật thường đi sau tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp tăng cao xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh, phù toàn thân và có protein trong nước tiểu.
Tuy nhiên trường hợp sau sinh lại hiếm gặp hơn. Khi tình trạng bệnh của thai phụ tiến triển nặng, gây tác động lên não dẫn đến các cơn co giật, lúc này thai phụ đã mắc chứng sản giật.
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ khi được chẩn đoán tiền sản giật cần lưu ý những vấn đề sau:
- Thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch, nhất là những cột mốc khám thai quan trọng ở cơ sở y tế cho chuyên khoa phụ sản.
- Chú ý đến chế độ chăm sóc thai phụ, vì với những thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng này cũng như các thành viên trong gia đình cần trang bị kiến thức, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
- Cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai phụ và thai nhi phát triển tốt.
- Theo dõi, ghi lại sự thay đổi về huyết áp, cân nặng, nước tiểu… hàng ngày để sớm phát hiện bất thường.
- Trong trường hợp thai phụ có các dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị can thiệp kịp thời, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.