Hiện nay, số trẻ nhập viện đã tăng gấp 3-4 lần so với 3 tuần trước và xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
- Nóng: Bộ Y Tế chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm nguồn thuốc khi số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến
- Đỉnh dịch tay chân miệng ở TP.HCM rơi vào tháng 7, cảnh báo nguy cơ gia tăng các ca bệnh truyền nhiễm, nguy cơ dịch chồng dịch
Theo thông tin từ báo Lao động, Bác sỹ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những ngày qua bệnh viện liên tục trong tình trạng quá tải, bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng tăng cao khiến các giường bệnh phải nằm ghép. Trong phòng cấp cứu cũng không ngoại lệ.
Từ ngày 10/7, khoa đã tiếp nhận 204 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú. Mặc dù, bệnh viện cho các bé xuất viện liên tục khi tình trạng ổn định nhưng lại phải nhận thêm khoảng 60 ca mỗi ngày. Ngày nào cũng có trẻ phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các khoa hồi sức. Bệnh tay chân miệng đang tiến sát đỉnh dịch.
Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 400 trẻ mắc tay chân miệng/ngày tại 8 phòng khám. Còn tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc có 12 trẻ phải nằm hồi sức, trong đó có 6 trẻ phải thở máy và 2 trường hợp phải lọc máu. Khoa đã chuẩn bị sẵn sàng 20 trong tổng số 30 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.
Trẻ được tái khám liên tục để kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nhi nhập viện và xuất viện liên tục, dồn ứ vào những ngày cuối tuần và đầu tuần.
Một cậu bé gần 2 tuổi phải thở oxy vì mắc tay chân miệng độ 3, xuất hiện các cơn ngưng thở. Mặc dù bác sĩ đã truyền 2 lần immunoglobulin nhưng tình hình của bé chưa ổn định. Bé vẫn tiếp tục phải xét nghiệm để đánh giá tình trạng bội nhiễm và viêm màng não.
Theo nguồn tin từ VietNamPlus, trước tình hình trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng thêm một tầng lầu (tầng 5) để Khoa Nhiễm thần kinh nhận thêm trẻ mắc bệnh. Công suất tối đa có thể lên đến 300 giường, chưa kể khu vực các khoa hồi sức. Tạm thời tầng mới sẽ tiếp nhận trẻ tay chân miệng điều trị dịch vụ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trinh (21 tuổi, Bình Chánh) cho biết con trai nhập viện vào cuối tuần trước. Bé phải nằm chung với 4-5 trẻ khác. Chị Trinh và nhiều phụ huynh đã đưa con ra hành lang nghỉ ngơi.
Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo về thuốc điều trị. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh lý này gồm: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Các bác sỹ khuyến cáo, điều quan trọng nhất là cần kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Khi mắc tay chân miệng, trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ mắc tay chân miệng để được xác định bệnh, theo dõi sát.
Dự báo dịch tay chân miệng năm nay sẽ "nóng" nên Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới... lên phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống số ca bệnh gia tăng. Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo các loại thuốc điều trị hiệu quả cho các bệnh viện của Thành phố.