Muốn làm đẹp cấp tốc mà không tìm hiểu kỹ, nhiều người đã đặt niềm tin nhầm chỗ vào các cơ sở thẩm mỹ "chui", bác sĩ "dỏm".
- Lời kể kinh hoàng của 2 nạn nhân trong vụ tiêm filler bị lấy hết vàng: 2 lần uống thuốc lạ rồi thiếp đi, không còn biết gì
- Tiêm filler dạo sửa mũi tại nhà, người phụ nữ 56 tuổi ở TP.HCM gặp biến chứng nặng nề, phải nhập viện cấp cứu khẩn
Nhân viên cơ sở thẩm mỹ giả bác sĩ để nâng ngực, phẫu thuật làm đẹp
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, mới đây nhất vào cuối tháng 10, Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra dịch vụ thẩm mỹ ID Korea. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà L.T.H. (24 tuổi, quê Thanh Hóa) được giới thiệu là bác sĩ đang "nâng ngực" cho khách.
Qua kiểm tra, bà H. không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Về trình độ học vấn, bà H. mới chỉ tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra cơ sở này đã có hàng loạt vi phạm như đăng ký kinh doanh là dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ, nhưng lại quảng cáo rầm rộ là "viện thẩm mỹ" và thực hiện nhiều dịch vụ can thiệp vào cơ thể người như nâng ngực, nâng mũi, tiêm filler...
Cũng trong tháng 10, UBND quận Thanh Khê đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thẩm mỹ Kangzin vì hàng loạt vi phạm.
Trước đó công an quận này đã phát hiện cơ sở này hoạt động không phép và để nhân viên lao công tham gia... phẫu thuật làm đẹp cho khách. Hàng loạt vật tư y tế, dung dịch làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu được sử dụng làm đẹp cũng không có nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện nay dịch vụ thẩm mỹ có hai hình thức hoạt động chính. Loại hình thứ nhất là dịch vụ thẩm mỹ tại những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi tạo hình (dịch vụ thẩm mỹ).
Đây là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế thực hiện, sở y tế và cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Hiện trên địa bàn chỉ có khoảng 30 cơ sở dạng này.
Loại hình thứ hai chiếm số lượng lớn và khó kiểm soát, là loại hình dịch vụ thẩm mỹ không thuộc các cơ sở khám chữa bệnh do các địa phương quản lý.
Theo quy định, nhóm này chỉ cần hồ sơ công bố đủ điều kiện hoạt động gửi cho Sở Y tế. Khi nhận hồ sơ, sở sẽ tổ chức thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về nhân lực, thiết bị vật tư thì sẽ công bố hoạt động.
Ngoài ra còn một nhóm dịch vụ thẩm mỹ khác là các cơ sở này hoạt động lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp khác như dịch vụ massage, spa, làm móng.
Theo bà Trần Thanh Thủy - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, vừa qua cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở làm dịch vụ "chui", không đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ như nâng ngực, căng da mặt... cho khách đều rơi vào nhóm thứ hai và thứ ba.
"Nhóm thứ nhất hầu hết là anh em trong ngành y tế, họ có chuyên môn và được cấp phép, chúng tôi quản lý họ khi thực hiện kỹ thuật. Trong khi đó nhóm thứ hai và thứ ba quảng cáo rất rầm rộ, họ chỉ được làm đẹp mà không được cấp phép can thiệp y tế nhưng bất chấp làm chui" - bà Thủy nhìn nhận.
Hiểm họa từ thẩm mỹ "chui" và bác sĩ "dởm"
Dẫn tin từ Dân Trí, các trường hợp biến chứng như hoại tử, nhiễm trùng, mù mắt, lở loét… hay thậm chí là tử vong là hậu quả của vấn đề của việc làm đẹp tại các thẩm mỹ "chui". Hay nổi bật là vụ việc nâng mũi gây tử vong ở một thẩm mỹ viện tại Hà Nội thì nguyên nhân là bác sĩ lại đi lên từ thợ cắt tóc và không có giấy phép hành nghề. Vấn đề này đã được giới truyền thông báo chí cũng như Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều. Dù là vậy, không ít người vẫn chấp nhận rủi ro để giao phó khuôn mặt và thậm chí là mạng sống của mình cho các cơ sở thẩm mỹ "chui". Nhiều người từ đi tìm kiếm cái đẹp đến những ngày tháng phải vật vã với biến chứng hậu phẫu.
Qua lời giới thiệu của bạn bè, chị L. (30 tuổi) đến nhà "bác sĩ" Hồng tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để nâng ngực và thẩm mỹ vùng kín với chi phí 47 triệu đồng. Trong quá trình phẫu thuật ngực phải, chị L. kêu đau nên bác sĩ tiêm thêm thuốc gây tê. Lúc sau chị L. có biểu hiện suy hô hấp, mặt tím tái, chuyển sang co giật. Đến 15h cùng ngày, chị L. tử vong.
Tại cơ quan điều tra, ông Hồng khai có tham gia khóa tập huấn "Căn bản về nâng ngực thẩm mỹ" tuy nhiên, giấy chứng nhận này hoàn toàn không có giá trị chứng nhận học viên được trực tiếp thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Ngoài ra ông Hồng cũng chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép thực hiện kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào. Việc ông Hồng thực hiện các kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại nhà riêng là vi phạm nghiêm trọng các điều cấm theo Luật Khám chữa bệnh - Khám, chữa bệnh.
Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn từ ngành thẩm mỹ, nhiều bác sĩ tay ngang thậm chí những người không có bằng cấp cũng "đá sân" nhảy vào lĩnh vực này. Nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu, spa kiêm luôn nâng mũi, nâng ngực, … thực hiện các hoạt động xâm lấn mà ngay cả các bác sĩ hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề cũng phải rất cẩn trọng.
Dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ còn có mặt cả ở các tiệm… gội đầu, làm móng. Chủ tiệm làm tóc AV trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hỏi tôi có muốn xăm môi, mắt không "Nhanh lắm em ạ, xăm môi 30 phút là xong, tiệm chị bình dân lấy giá 350.000 đồng thôi mà em yên tâm, mực chuẩn Hàn nhé.". Thấy ánh mắt ái ngại của tôi, chị nói luôn: "Bên chị còn làm hồng nhũ hoa, nâng mũi, tắm kích trắng, hút mỡ… mà toàn khách quen thôi".
Theo Th.BS Nguyễn Hữu Tùng - Chuyên khoa thẩm mỹ - Thẩm mỹ bệnh viện Hồng Ngọc: "Nhiều Khách hàng đến bây giờ vẫn lầm tưởng rằng tất cả các cơ sở cứ đặt tên là thẩm mỹ viện là có thể thực hiện mọi thủ thuật làm đẹp, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, trước khi tiến hành bất cứ can thiệp thẩm mỹ nào, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ lưỡng về giấy phép, đội ngũ y bác sĩ; mặt khác cơ quan quản lý cần phải có biện pháp để ngăn chặn tình trạng các cơ sở thẩm mỹ làm vượt chức năng được phép".