Nhiều bệnh viện chật vật, hoãn mổ vì ‘khó đảm bảo vật tư y tế’

Tin y tế 03/03/2023 16:46

Các bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo trang thiết bị, thậm chí bệnh viện hoãn mổ vì thiếu vật tư, trang thiết bị.

Tình trạng thiếu hụt vật tư, trang thiết bị dẫn đến nhiều bệnh viện lớn buộc phải dừng, trì hoãn, dời lịch phẫu thuật, gây trở ngại rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh.

Cụ thể, theo thông tin từ Báo Người Lao Động cho hay, những ngày qua, tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc cũng đang xảy ra ở một số bệnh viện lớn trên cả nước, gây trở ngại rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh.

Một bác sĩ chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai xác nhận nhiều vật tư của bệnh viện không còn, trong khi bác sĩ phải tự chắp vá một số thiết bị để bảo đảm cho ca mổ. Một số vật tư trong phẫu thuật và điều trị các bệnh lý hàm mặt như nẹp vít, thuốc giảm đau, thuốc gây mê… cũng thiếu do vướng mắc đấu thầu.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thiết bị y tế là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Sau Tết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến, có những ngày lên tới 7.000 - 8.000 lượt người khám ngoại trú. Trong khi đó, hầu hết thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết nay đã hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực. Các bệnh viện đang chờ thông tư mới, quy định mới nên chưa thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký hợp đồng mới được.

Nhiều bệnh viện chật vật, hoãn mổ vì ‘khó đảm bảo vật tư y tế’ - Ảnh 1
Bệnh viện thiếu trang vật tư y tế. Ảnh: Người Lao Động

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP HCM, trong lúc chờ Bộ Y tế, Bộ Tài chính giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì hoạt động của bệnh viện này tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Một bác sĩ chuyên khoa mạch máu của bệnh viện nói rằng do vật tư, hóa chất không đủ nên chỉ ưu tiên phẫu thuật sớm cho các trường hợp cấp cứu, bệnh nhân nặng, còn người bệnh mức độ từ nhẹ đến trung bình sẽ được dời mổ sau 1-2 tháng.

Cũng vì lý do này, tại nhiều khoa phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhất là những nơi sử dụng máy móc liên tục, việc điều trị của bệnh nhân bị gián đoạn. Tại Khoa Xạ trị, trong ngày 1-3, nhiều người đến nhập viện phải quay về, trong khi rất đông bệnh nhân chờ máy để xạ trị. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng Khoa Xạ trị, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 400 bệnh nhân ung thư cần xạ trị. Trong khi đó, tại khoa có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động, 2 máy đã ngưng sử dụng gần 1 năm qua do hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các thủ tục đấu thầu.

Theo VnExpress, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết trong họp báo định kỳ, chiều 2/3 rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày. Trong khi đó, các bệnh viện ở TP HCM có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn như sửa chữa, bảo trì, bảo hành... Do đó, đơn vị không thể có được 3 báo giá như theo quy định đấu thầu, do chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất mặt hàng này.

Nhiều bệnh viện chật vật, hoãn mổ vì ‘khó đảm bảo vật tư y tế’ - Ảnh 2

Bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, ngày 1/3. Ảnh: VnExpress

"Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn", bà Như nói. Đồng thời, giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên khi tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.

Bà Như cho biết nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế còn do hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị.

Hiện nay rất nhiều trang thiết bị như hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu, hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1/1 nhưng vẫn chưa được cấp mới hay gia hạn. "Do đó, hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị", bà Như nói thêm.

Một nguyên nhân khác dẫn đến thiếu vật tư là do ảnh hưởng của việc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Theo quy định, tất cả gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế với hàng trăm đến hàng nghìn mặt hàng. Bà Như nhận định, thực tế, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập. Như khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn. Nếu gói thầu trên 300 khoản là hệ thống gần như không đăng tải được.

Với các khó khăn nêu trên, Sở Y tế TP HCM kiến nghị cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt. Việc này thực hiện đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp, bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh.

Nguyên nhân gần như chính xác 66 ca trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính 

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần như chắc chắn siro ho và paracetamol là nguyên nhân dẫn đến 66 ca trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính tại Gambia.

TIN MỚI NHẤT