Tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) cho biết đã phát hiện một lọ vắc-xin COVID-19 của Moderna bị nghi ngờ có tạp chất và quyết định đình chỉ phần còn lại của lô hàng.
- Người đến hạn tiêm vaccine mũi 2 ở TP.HCM khi nào sẽ được tiêm?
- Hà Nội: F0 ở Đội Cấn từng đi tiêm vaccine cùng hàng trăm người, có nguy cơ hình thành ổ dịch phức tạp
Theo báo Lao động đưa tin, ngày 31/8, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) cho biết, trong lúc kiểm tra vaccine trước khi sử dụng, họ đã phát hiện một lọ vaccine Moderna có chứa một số hạt màu đen lạ. Do đó, toàn bộ số vaccine cùng lô với lọ nhiễm tạp chất đã bị đình chỉ.
Được biết, tuần trước, Nhật Bản đã cho ngừng sử dụng 1,63 triệu liều vaccine Moderna sau khi phát hiện một vài liều nhiễm tạp chất. Phía hãng dược phẩm Moderna, họ cho rằng sự cố này không liên quan đến các vấn đề về an toàn hoặc hiệu quả.
Theo thông tin từ giới chức tỉnh Kanagawa, nhà phân phối vaccine Takeda Pharmaceutical đã thu giữ lọ vaccine Moderna nhiễm tạp chất và xác định có khoảng 3.790 người đã được tiêm từ cùng một lô với lọ vaccine này.
Theo thông tin của Tiền Phong, trước đó, ngày 26/8, Bộ Y tế Nhật Bản ra quyết định đình chỉ sử dụng khoảng 1,63 triệu liều của ba lô (3004667, 3004734 và 3004956) được đóng ống tại một nhà sản xuất ở Tây Ban Nha như một biện pháp phòng ngừa sau khi cơ quan y tế báo cáo phát hiện các chất lạ (có thể là hạt kim loại) đã được tìm thấy trong 39 lọ vắc-xin chưa sử dụng tại tám điểm tiêm chủng ở Ibaraki, Saitama, Tokyo, Gifu và Aichi.
Hậu quả gây ra ít nhất hai người đàn ông đã tử vong sau khi tiêm liều vắc-xin Moderna thứ hai từ các lô bị ảnh hưởng.
Đến ngày 29/8, hai tỉnh Gunma và Okinawa tiếp tục thông báo phát hiện vật chất lạ màu đen và màu hồng trong lọ vắc-xin và ống tiêm. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, sự cố ở hai tỉnh này không liên quan đến số vắc-xin nhiễm hạt kim loại trước đó.
Về trường hợp ở Okinawa, cơ quan y tế cho biết các mảnh cao su màu đen có khả năng đã rơi xuống lọ khi kim tiêm đâm xuyên qua nắp cao su. Hiện, chưa phát hiện vấn đề gì lớn liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Tình trạng này có thể xảy ra khi nhân viên y tế đâm kim tiêm qua nắp không đúng cách và cũng từng được báo cáo ở vắc-xin Pfizer. Về tạp chất màu hồng, Bộ Y tế cho biết dị vật quá lớn, không thể lọt qua lỗ tiêm, nghĩa là tạp chất này đã tồn tại trong ống tiêm trước đó, không phải trong lọ vắc-xin.