Chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, người dân ở quốc gia này bắt đầu lo lắng về làn sóng dịch COVID-19.
- Diễn biến COVID-19 tăng mạnh ở 2 quốc gia Đông Nam Á, đề xuất yêu cầu người dân làm việc tại nhà
- TP.HCM bác bỏ thông tin các điểm nóng COVID-19 trên địa bàn đang gây xôn xao
Tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết vẫn khó để dự đoán thời điểm chính xác của làn sóng dịch thứ hai của biến thể Omicron.
Vào ngày 18/4, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền thông tin về các trường hợp nhiễm dòng phụ XBB.1.6 của biến thể Omicron, còn được gọi là Arcturus. Điều này khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại về làn sóng dịch thứ hai của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, nhà miễn dịch học Zhuang Shilihe tại Quảng Châu nhận định với Global Times rằng việc dự đoán thường phức tạp bởi có nhiều biến số bao gồm các đặc điểm của virus, rào cản miễn dịch và hành vi dân số, đồng nghĩa với việc khó có thể tính toán chính xác.
Ông Zhuang đề cập một quan điểm phổ biến tin rằng Trung Quốc sẽ không đón làn sóng dịch thứ hai của biến thể Omicron nhiều tháng sau làn sóng dịch thứ nhất vào cuối năm 2022. Nhưng ông nhấn mạnh vấn đề ở đây là bao nhiêu tháng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nước này ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 tăng vào đầu tháng 4 từ 0,7% ngày 30/3 lên 1,4% ngày 6/4. Nhưng nhiều chuyên gia nhấn mạnh khó có khả năng Trung Quốc gặp phải làn sóng dịch COVID-19 quy mô lớn khác.
Trong một diễn đàn ngày 13/4, nhà dịch tễ học trưởng của CDC Trung Quốc Wu Zunyou trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhận định rằng trên toàn thế giới, dịch COVID-19 đang hướng tới hồi kết. Theo ông Wu, mối nguy hại từ mắc COVID-19 không còn quá nghiêm trọng.
Theo báo cáo hàng tuần của WHO, có 13,3 triệu ca mắc COVID-19 mới và 23.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu trong giai đoạn từ 13/3 đến 9/4, giảm lần lượt 28% và 30% so với 28 ngày trước đó.
Nhà nghiên cứu Dai Lianpan tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận định rằng trong tương lai virus COVID-19 có thể chỉ gây bùng phát dịch trong một số khu vực nhất định và trong khoảng thời gian nhất định nhưng vẫn thiếu nghiên cứu về tần suất của vấn đề này.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai một số giải pháp. Cụ thể:
Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen.
Rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị;
Bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp.
Chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Phối hợp với bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế.
Đồng thời, tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.
Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.