Thời tiết dạo gần đây thay đổi quá nhanh, nhất là khi sắp bước vào mùa Đông, tiết trời rét buốt, đó cũng là lí do nhiều người hạn chế việc tắm hơn bình thường.
- Người phụ nữ mất ý thức, lơ mơ, chóng mặt: nhập viện phát hiện ngộ độc cần sa vì ăn bỏng ngô mua trên mạng
- Chỉ với 1 cốc nước, các chuyên gia chỉ bạn cách phát hiện bệnh tuyến giáp ngay tại nhà
Tuy nhiên, hậu quả của việc kiêng tắm thái quá đã có câu trả lời. ThS.BS Đoàn Thị Anh Đào - Phó trưởng khoa Nội (Bệnh viện Thanh Nhàn) chia sẻ trên Báo Phụ Nữ Việt Nam cho biết, quá trình thăm khám, bác sĩ hay gặp trường hợp bệnh nhân sợ tắm khi mùa đông đến, thậm chí cả trong hè. “Có bệnh nhân vào viện, dù bác sĩ luôn dặn dò vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng 3-4 ngày sau vẫn hỏi bác sĩ có được tắm rửa không. Khi hỏi, bệnh nhân cho rằng mùa đông lạnh, đang uống thuốc, bị bệnh nên kiêng tắm”, bác sĩ Đào chia sẻ.
Bác sĩ Đào đã gặp trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường và phổi tắc nghẽn mãn tính, nhập viện trong tình trạng bị biến chứng vì kiêng tắm. Theo chia sẻ của bệnh nhân, do thời tiết lạnh nên bệnh nhân ngại tắm và cho rằng “không tắm vài hôm không chết”, nhưng tắm sẽ bị nhiễm lạnh, làm bệnh càng nặng thêm.
Đến khi thấy mệt mỏi, khó thở, bệnh nhân được gia đình đưa vào viện thì phát hiện da ở vùng chân tóc bị viêm nhiễm nặng. Nguyên nhân là bệnh nhân đang bị đái tháo đường, đường huyết tăng, xong không vệ sinh cơ thể nên vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm.
“Trường hợp này ngoài tập trung điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, các bác sĩ còn phải điều trị nhiễm khuẩn ngoài da. Do đường huyết bệnh nhân không cải thiện, vì thế đã tạo nên vòng xoáy bệnh tật, bệnh nọ kéo theo bệnh kia, rất khó khăn trong quá trình điều trị”, bác sĩ Anh Đào cho hay.
Theo đó, có một số rủi ro liên quan đến việc kéo dài thời gian giữa mỗi lần tắm, vấn đề chính là vi khuẩn. Những người 3-4 ngày mới tắm một lần có nguy cơ tích tụ các mảng da có vảy sẫm màu, dẫn đến nhiễm trùng nấm hoặc vi khuẩn.
Mụn trứng cá hình thành khi các nang bã nhờn tắc nghẽn và viêm nhiễm, không chỉ trên mặt mà còn ở ngực và lưng. Tắm quá ít sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn gây mụn bị mắc kẹt bên trong lỗ chân lông.
Vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào trong cơ thể khi không được rửa sạch khỏi các khu vực xung quanh mắt, miệng hoặc mũi. Điều này khiến một người có nguy cơ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng, kích thích phản ứng từ hệ miễn dịch.
Lợi ích của việc tắm rửa
Tắm là điều cần thiết để làm thông thoáng các lỗ chân lông và tạo điều kiện cho các tế bào da hoạt động, tăng cường miễn dịch. Các bằng chứng cho thấy tắm nước ấm hoặc tắm trước khi ngủ giúp cho bạn có giấc ngủ ngon.
Thời gian thích hợp nhất để làm sạch cơ thể là 2 tiếng trước khi ngủ. Chúng giúp lưu thông máu, nhịp thở và khả năng tập trung cũng được cải thiện khi tắm. Do đó, thói quen này là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Cũng theo BS. Minh, trong mùa đông khô hanh, việc dưỡng ẩm cho da là cần thiết, mọi người có thể mua các sản phẩm dưỡng ẩm nhưng phải chú ý nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm được cấp phép để không ảnh hưởng đến làn da, nhất là trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến nghị tắm vòi sen ngắn kéo dài từ 3 đến 4 phút, tập trung vào nách và bẹn.
Lưu ý khi tắm mùa lạnh
Theo bác sĩ Nguyễn An Pháp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3) chia sẻ trên Báo VnExpress, dưới đây là những lưu ý khi tắm mùa Đông
Hạn chế ngâm mình trong nước quá nóng
Vào mùa đông, người dân thường thích ngâm mình trong nước nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ mùa này thường ở mức rất thấp nên việc tắm hay ngâm bồn nước nóng quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. "Khi cơ thể đang ở trong môi trường lạnh tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, giãn mạch máu, làm mất đi độ ẩm trên da. Do đó, tốt nhất là bạn chỉ nên tắm trong nước ấm vừa phải để vừa giữ sức khỏe, vừa bảo vệ làn da".
Tuyệt đối không tắm đêm
Theo bác sĩ Pháp, người dân không nên có thói quen tắm đêm. Nhiệt độ về đêm thường thấp hơn ban ngày, cộng thêm sự giảm nhiệt đột ngột (khi cơ thể tiếp xúc nước) khiến tuần hoàn máu giảm do các mao mạch co lại.
"Từ 11h khuya đến khoảng 3h sáng, về mặt y học cổ truyền, là lúc khí dương lui vào sâu trong cơ thể, sức chống đỡ bị suy giảm nhiều nhất. Nếu tắm vào thời gian này, khí lạnh rất dễ xâm nhập cơ thể và gây cảm lạnh, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong", bác sĩ nói.
Không tắm ở nơi có gió lùa
Đây là kiểu tắm vào mùa đông vô cùng nguy hiểm. Theo lương y Bùi Hồng Minh, tắm ở nơi có gió lùa, không chỉ là mùa đông mà ngay cả mùa hè cũng cần cẩn trọng. Nguyên nhân là khi hơi nước nóng ấm bốc lên, kết hợp với gió lạnh thổi rất dễ khiến người tắm bị trúng gió, nguy cơ bị đột quỵ, thậm chí tử vong.
Không tắm sau khi ăn quá no hoặc quá đói
Sau khi ăn, máu được tập trung lưu thông đến dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn tắm ngay lúc đó sẽ làm thân nhiệt hạ thấp, cơ thể buộc phải hoạt động nhiều hơn để duy trì nhiệt, máu phải di chuyển từ đường ruột đến các bộ phận khác của cơ thể như da, mô dưới da. Hậu quả là quá trình tiêu hóa bị gián đoạn, dạ dày co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra ít hơn, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn nên dễ gây ra các bệnh về tim mạch.
Tuy nhiên cũng không nên tắm khi đói, đường huyết hạ, dễ bị chóng mặt, ngất. Bạn nên tuân thủ thói quen tắm trước bữa ăn; hoặc nếu sau khi ăn thì cách 1-2 tiếng để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không nên dội nước thẳng từ đầu xuống
Dù cho có tắm bằng nước nóng thì bạn vẫn không nên dội nước thẳng từ đầu xuống chân. Bởi thói quen này rất dễ gây đột quỵ mà bạn không thể lường trước được. Thay vào đó, hãy xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới xối lên toàn bộ cơ thể để quen dần với nhiệt độ nước.
Tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ
Giữ chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng tắm và bên ngoài không được quá cao, tối ưu nên dao động trong khoảng 2-3 độ C.
Dù tắm bằng hình thức nào (vòi sen, bồn, tắm ngồi, tắm đứng...) cũng phải hạn chế việc thay đổi thân nhiệt trung tâm cơ thể đột ngột, bằng cách tiếp xúc dần từng bộ phận của cơ thể với nước, thường là chân đầu tiên, đến tay, đầu, thân người (lưng và ngực bụng) là sau cùng, rồi sau đó mới là toàn thân tiếp xúc hoàn toàn với nước.
Lưu ý với những người có bệnh tim mạch, tiểu đường
Người bệnh tự cảm nhận cơ thể thoải mái mới tắm; nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như mệt mỏi, đau đầu, khó chịu, người nổi gai ốc... đều không nên.
Người mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, trước khi tắm có thể ăn nhẹ lót dạ và đã uống thuốc điều trị. Nếu đang tắm thấy chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, tim đập nhanh, cần lập tức đi ra khỏi phòng tắm, nằm nghỉ ngơi, uống chút nước nóng hoặc nước gừng.