Nữ bệnh nhân (38 tuổi, trú tại Bắc Ninh) liên tục đau lưng trong thời gian thai kỳ, tuy nhiên sau sinh, tình trạng này ngày càng nặng nên đi khám, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
- Nữ giáo viên sốc khi phát hiện mắc ung thư phổi, chia sẻ 3 dấu hiệu đã trải qua
- Chữa ung thư theo phương pháp thực dưỡng, người phụ nữ suy kiệt, khiến bác sĩ lắc đầu vì không còn hi vọng
Theo thông tin từ VietNamNet, chị N.T.H. (38 tuổi, trú tại Bắc Ninh) vào Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khi đau xương, hạn chế vận động và ho nhiều.
Bệnh nhân cho biết, 8 tháng trước, khi đang trong tháng thứ 3 của thai kỳ, chị H. đau âm ỉ vùng lưng, lan xuống mông, đau tăng dần, bệnh nhân không đi khám, không điều trị gì vì nghĩ đó là triệu chứng thai nghén. Ngay sau khi sinh, chị H. đau nặng hơn, cơn đau dữ dội, liên tục, hạn chế vận động nhiều vùng lưng, mông, kèm ho khan nhiều về đêm. Sau đó, chị H. được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, kết quả chụp MRI lồng ngực cho thấy hình ảnh khối mờ trung tâm thùy trên phổi trái kích thước 22x32 mm, bờ tua gai, xâm lấn trung thất, phế quản gốc. Sinh thiết mẫu bệnh phẩm chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến di căn hạch, nguyên phát tại phổi.
Trước đó, theo nguồn tin từ báo Người lao động, nữ bệnh nhân (36 tuổi, ở Hà Nội) đến bệnh viện do xuất hiện các triệu chứng đau ngực, khó thở, đau đầu, đau vùng cột sống thắt lưng. Khi đến khám, bệnh nhân đã trong tình trạng phổi có khối u kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn màng phổi, tổn thương di căn gan, di căn hạch, di căn xương, di căn não... Kết luận, người này mắc ung thư phổi từ nhỏ do ở với cậu ruột thường xuyên hút thuốc lá.
Trên thế giới, năm 2020 ung thư phổi đứng đầu về số ca mắc mới ở nam giới với hơn 1,4 triệu ca, đứng thứ 3 về số ca mắc mới ở nữ giới với gần 771.000 ca, PGS Phạm Cẩm Phương, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư phổi rất cao. Năm 2020, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư phổi đứng thứ 2 ở cả hai giới, với 14,4% tỷ lệ mắc mới, 19,4% tỷ lệ tử vong.
Ung thư phổi thường gặp ở người lớn tuổi, 90% các ca ung thư phổi được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình mắc ung thư phổi là 70. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở nam giới cao hơn gấp 2 lần so với ở nữ giới.
Những năm gần đây, mô hình ung thư phổi ở các nước phát triển đang thay đổi. Với việc kiểm soát phần nào vấn nạn hút thuốc, tỷ lệ mắc mới và tử vong ở nhóm nam giới cao tuổi bắt đầu có xu hướng giảm sau nhiều thập kỷ tăng đạt đỉnh.
Cùng với đó, ở hầu hết quốc gia, tỷ lệ này ở nữ giới vẫn tiếp tục tăng, đang gần bằng hoặc bằng tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới tại các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ. Thậm chí, tại một số nước như Đan Mạch, Iceland, Thuỵ Điển, tỷ lệ này ở nữ giới còn nhỉnh hơn. Trong đó, các nhóm nghiên cứu đã nhận thấy nhóm đối tượng nữ giới trẻ tuổi vốn trước đây có tỷ lệ mắc rất thấp thì hiện nay đang ngày càng tăng.
Ung thư phổi ở những bệnh nhân trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Theo nghiên cứu của Bailong Liu và cộng sự năm 2019, tỷ lệ chẩn đoán ung thư phổi khi bệnh đã ở giai đoạn IV ở người trẻ tuổi lên tới 49% và tỷ lệ tử vong sau 5 năm là 46,7%.
Do đó, những đối tượng có yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc lá thường xuyên, tiền sử gia đình có người mắc ung thư phổi, môi trường làm việc phải tiếp xúc với tia xạ, khói bụi độc hại… hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ như ho ra máu, ho kéo dài không đáp ứng với thuốc giảm ho cần đi khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.