Sau khi lấy kim chọc hết các nốt thủy đậu với mục đích bôi thuốc cho nhanh khỏi, bé đã bị nhiễm trùng nặng.
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Còn tâm lý e ngại trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
- Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý trang thiết bị y tế
Theo Zing, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, anh vừa tiếp nhận một bệnh nhi được mẹ đưa vào khám với các nốt thủy đậu chi chít, người tấy đỏ xung quanh.
Mẹ bệnh nhi cho biết con bị thủy đậu, nghe người dân xung quanh mách mách lấy kim chọc cho hết các nốt rồi bôi thuốc Đông y vào cho nhanh khỏi. Kết quả, bé bị nhiễm trùng nặng.
Bà mẹ chia sẻ thêm sợ thủy đậu phải kiêng gió, kiêng nước nên 5-6 ngày qua trẻ chưa tắm, chỉ thay quần áo. Bác sĩ Thảo cho biết bệnh nhi vừa bị thủy đậu vừa bội nhiễm da khiến cháu bé đau, ngứa khắp cơ thể.
Thông tin trên VietNamNet, bác sĩ Thảo cho hay, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do virus varicella-zoster gây ra. Dấu hiệu nhận biết là phát ban da với mụn nước đỏ. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Người bệnh thường phục hồi trong khoảng 2 tuần.
Người lớn có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn trẻ em. Đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch yếu do mắc ung thư, HIV.
Khi bị thủy đậu, bác sĩ Thảo khuyến cáo người bệnh nên sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn. Về việc chăm sóc nốt phỏng trên da, nếu vệ sinh tốt, người bệnh không cần bôi thuốc. Lưu ý, ban thủy đậu rất ngứa nhưng người bệnh không được gãi vì dễ gây nhiễm trùng da do vi khuẩn, để lại sẹo.
Vì vậy, người bệnh không cần kiêng tắm, vệ sinh da sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh ra mồ hôi làm tăng cảm giác khó chịu, ngứa.
Bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước, nên chọn các thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp, sinh tố đặc biệt khi có mụn nước thủy đậu trong miệng.