Biến thể COVID-19 mới được cho là gia tăng mạnh số ca nhiễm ở Ấn Độ nhưng chưa gây ra triệu chứng nặng hơn các biến thể khác.
Thông tin từ VietNamNet, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định biến thể phụ XBB.1.16 thuộc Omicron đã xuất hiện ở 20 nước và là biến thể cần theo dõi. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, thông tin, XBB.1.16 có thêm một đột biến mà theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khiến biến thể phụ này dễ lây nhiễm hơn.
Bà Van Kerkhove nói: “Biến thể này đã xuất hiện trong một vài tháng. Chúng tôi chưa thấy sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng ở từng cá nhân hoặc trong cộng đồng. Chúng ta đang ở trong một tình thế tốt hơn nhiều kể từ khi bắt đầu đại dịch này. Một trong những điều không chắc chắn lớn mà chúng ta phải đối mặt trong tương lai là chính virus. Virus không ổn định thành mô hình có thể dự đoán được mà tiếp tục phát triển”.
Hầu hết mẫu nhiễm XBB.1.16 đến từ Ấn Độ, nơi biến thể phụ trên đã thống trị. Dữ liệu của WHO cho thấy các ca nhiễm Covid-19 hằng tuần ở nước này đã tăng hơn gấp đôi trong tuần qua nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất. Theo Guardian, ngày 12/4, Ấn Độ ghi nhận 8.000 ca mắc mới.
Bộ Y tế của nước này đã lên các kịch bản để đảm bảo hệ thống bệnh viện được chuẩn bị sẵn sàng. Một số bang bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Omicron vẫn là biến thể được quan tâm trên toàn thế giới và hàng trăm dòng phụ tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, XBB.1.16 có thể không chỉ là một Omicron bình thường khác. Tiến sĩ Vipin Vashishtha, nguyên giám đốc Ủy ban Tiêm chủng của Học viện Nhi khoa Ấn Độ, cho biết các bệnh nhi có thêm triệu chứng mới.
Ngoài các biểu hiện như sốt cao, ho, trẻ còn bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng không có mủ. Đây là triệu chứng hiếm gặp ở các đợt dịch trước.
Số bệnh nhi dưới 12 tuổi ở Ấn Độ đang gia tăng thường có biểu hiện nhẹ. Nhưng các bác sĩ cảnh báo cha mẹ của trẻ mắc bệnh béo phì, hen suyễn, suy giảm miễn dịch khác cần lưu tâm, tìm kiếm trợ giúp y tế kịp thời.
Còn tại Việt Nam, theo VnExpress, ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, trong 7 ngày vừa qua (5-11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Nhóm người bệnh từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 trường hợp (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây nhưng một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.