Thời điểm này các bệnh về cúm đang vào giai đoạn dễ lây lan nhanh. Còn trên thế giới bệnh về đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia, trong đó là các quốc gia ASEAN.
- 4 giải pháp phòng chống virus cúm gia cầm lây sang người
- Thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường, virus cúm gia cầm dễ phát triển: Cảnh báo nguy cơ lây sang người
Theo thông tin từ VTV, tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.
Miền Bắc đang bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là trẻ em. Bộ Y tế đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa đông - xuân này.
Dấu hiệu cảnh báo lúc đầu của cúm là sốt, nhức đầu, đau người, chảy nước mũi, ho, hắt hơi… Bác sỹ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Và đặc biệt lưu ý là không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
Dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm ngoái nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Tốt nhất vẫn là tiêm vaccine phòng cúm mùa mỗi năm 1 lần khi sức khỏe bình thường.
Dẫn tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 15/12, Sở Y tế TP.HCM phát đi cảnh báo nguy cơ số ca mắc COVID-19 tại TP tăng trở lại, yêu cầu người dân không được chủ quan.
Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 11/2023, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) duy trì giám sát các biến thể của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.
Có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng virus COVID-19 được giải mã gen, tất cả đều thuộc biến thể của Omicron. Cụ thể, XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng).
Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP.HCM.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, kể từ khi quyết định của Bộ Y tế về điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B có hiệu lực, hệ thống các bệnh viện của TP chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới phải nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng ở một số nước như hiện nay, nguy cơ số ca mắc tại TP gia tăng trở lại là khó tránh, nhất là vẫn còn một biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn TP trong khi lại là biến thể phổ biến tại các nước.
Do đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ chức OUCRU tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể COVID-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe trên toàn TP.
Các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện trường hợp mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở...) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền.
Người cao tuổi, có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch; những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch; phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm sớm và tiêm phòng vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.
Ngoài ra, người dân nên thường xuyên theo dõi thông tin tình hình dịch COVID-19 trên thế giới. Những người đi, đến, về từ các nước đang có số ca mắc COVID-19 tăng nên tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Khi trở về Việt Nam, những người này cần tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.