Những tháng cuối năm, mưa nhiều, độ ẩm cao nên rắn độc hay xuất hiện và trú ngụ ở những khu vực bụi rậm, nhiều cỏ cây...
- Đắp thuốc nam để điều trị rắn cạp nia cắn, bé 10 tuổi nguy kịch, nhiễm độc nặng
- Bắt rắn cạp nia mang đến lớp chơi, bé trai liệt toàn thân nguy kịch, phải thở máy
Theo thông tin từ VTV, thống kê của Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ tháng 9/2023 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ. Trung bình mỗi ngày ngày có 2-3 bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện, cao điểm có ngày lên đến 5 - 6 ca.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khác nhau như: Tổn thương tại vùng bị cắn, hoại tử, phù nề, liệt phải thở máy, rối loạn đông máu, chảy máu… Đáng nói, có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, nhập viện muộn do dùng thuốc nam sơ cứu hoặc sơ cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.
Bác sĩ Đào Thị Minh Hảo - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Khu vực Tây Nguyên nhiều nương rẫy nên vào mùa thu hái cà phê, tình trạng bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn, nhất là rắn lục đuôi đỏ gia tăng. Đặc điểm rắn lục đuôi đỏ ban ngày nghỉ, đêm kiếm ăn nên từ chạng vạng tối trở đi là thời điểm người dân thường bị rắn cắn. Cũng tùy vào mức độ cắn của rắn, răng cắm sâu và bơm nọc độc nhiều hay ít sẽ tương ứng với mức độ nặng – nhẹ của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hảo, các bệnh nhân nhập viện đa phần đều phải dùng huyết thanh, vết thương đã sưng nhiều và lan diện rộng. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn rất nguy hiểm, sẽ gây rối loạn đông máu và sưng vết thương tại chỗ, khi đó sẽ gây chèn ép tại các mạch máu và gây hoại tử hay còn gọi là hội chứng chèn ép khoang. Khi chèn ép lâu ngày mà không xử trí được, bệnh nhân sẽ bị hoại tử. Riêng rối loạn đông máu có thể diễn ra rất nhanh, rối loạn đông máu nặng nề gây xuất huyết nội tạng và nghiêm trọng nhất là xuất huyết não.
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, BSCK II Nguyễn Thị Hương Thảo - Trưởng khoa Nội tổng hợp thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) cho biết: "Không ít bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu đều băng garo sau khi bị rắn độc cắn.
Các ca này, nếu bị rắn độc cắn vào tay, chân thì sưng vù tay, chân. Có ca thì đã hoại tử quanh vết thương, phải rất nỗ lực mới có thể cứu chữa được.
Vậy nên, chúng tôi luôn khuyến cáo, người dân không may bị rắn độc cắn thì không băng garo mà phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, cứu chữa kịp thời.
Bởi băng garo sẽ ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu, không tốt cho sức khỏe của người bị rắn độc cắn. Các trường hợp bị rắn độc cắn, nhập viện càng sớm, việc cấp cứu sẽ thuận lợi hơn.
Trong thời gian chờ sự hỗ trợ của y tế, nên nới lỏng quần áo của người bị rắn độc cắn, đồng thời rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý…
Người bị rắn độc cắn không nên tự chữa trị bằng các bài thuốc đông y, lá cây theo truyền miệng dân gian.
Để đề phòng rắn độc cắn thì người dân, nhất là người đi làm rẫy, làm đồng ở những nơi nhiều hang đá, rừng cây, lá mục, bụi rậm phải trang bị thêm quần áo bảo hộ an toàn. Khi đi đến vùng tối như vào rừng, rẫy, nên trang bị đèn pin để soi đường".