Không may ngã vào que nhọn têm trầu, bé trai ở Hà Nội nguy kịch do mất máu nhiều: Bác sĩ lưu ý cách xử lý

Tin y tế 29/03/2023 15:04

Tai nạn vô tình nhưng khiến bé trai nguy kịch do mất máu nhiều, đặc biệt khi cha mẹ tự ý rút dị vật.

Cụ thể, theo thông tin từ Zing, bé trai 10 tuổi nhập viện do ngã vào que nhọn. Người nhà kể lại trước đó trẻ trèo lên ghế, không may ngã vào chiếc que têm trầu để ở bình vôi.

Khi thấy trẻ gặp tai nạn, người nhà rất hoảng sợ nên tự rút que nhọn ra khỏi cơ thể bé. Sau khi rút, máu tại vết thương chảy nhiều, trẻ mất máu, cơ thể chuyển sang tím tái. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội. Do tình trạng nặng, bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Các bác sĩ cho hay khi tiếp nhận, tình trạng trẻ rất nặng, vết thương sâu, gần tim, mất máu nhiều, suy hô hấp, tràn máu màng phổi, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ê-kíp cấp cứu đã nhanh chóng cầm máu, phẫu thuật để cứu bệnh nhi. Số lượng máu đã mất cũng được bù ngay trong khi mổ. Sau phẫu thuật một ngày, trẻ đã tỉnh lại.

Không may ngã vào que nhọn têm trầu, bé trai ở Hà Nội nguy kịch do mất máu nhiều: Bác sĩ lưu ý cách xử lý - Ảnh 1
Các bác sĩ cho hay khi tiếp nhận, tình trạng trẻ rất nặng, vết thương sâu, gần tim, mất máu nhiều, suy hô hấp, tràn máu màng phổi, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ảnh: Zing

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Đức Thắng, Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực, cho hay việc tự ý rút vật nhọn ra khỏi cơ thể có thể gây chảy máu ồ ạt, khiến tình trạng bệnh nhân nặng nề hơn. Đây cũng là sai lầm nhiều người dân mắc phải khi sơ cứu cho bệnh nhân gặp tai nạn.  

Cũng theo Báo Sức khỏe và đời sống, tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, BV Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp tai nạn từ những đồ vật sắc nhọn vốn là những dụng cụ các gia đình sử dụng hàng ngày như kéo, dao, đinh, đũa….

ThS. Thắng cho biết, khi bị vật nhọn đâm vào cha mẹ không nên mất bình tĩnh mà rút vội vật nhọn ra. Điều này rất sai lầm vì dễ khiến máu chảy nhiều, nguy hiểm tính mạng mà nên chuyển đến cơ sở y tế gần nhà. Chỉ nên rút vật đâm khi nó nhỏ và không đâm sâu quá 1cm. Trong trường hợp không chắc về độ sâu hoặc bị đâm sâu hơn 1cm, bạn cần ép chặt vết thương lại để ngăn máu chảy, có thể dùng vải, băng gạc buộc tạm rồi di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Một số trường hợp trẻ còn nuốt cả những vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích… Với những trường hợp hóc dị vật là những vật sắc nhọn đã được nuốt sâu vào trong phế quản cũng cần phải tránh tuyệt đối việc tìm cách gây nôn và không được làm những thủ thuật đơn giản cố đưa dị vật ra vì sẽ gây tổn thương thêm. Gây nôn chỉ áp dụng đối với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản.

Không may ngã vào que nhọn têm trầu, bé trai ở Hà Nội nguy kịch do mất máu nhiều: Bác sĩ lưu ý cách xử lý - Ảnh 2
Cẩn trọng cách xử lý trẻ bị vật nhọn đâm. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, nếu không may bị vật nhọn đâm vào người, sau khi xử lý vết thương, nên đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván dù vết thương nhỏ hay lớn vì không biết trong dị vật đó có vi trùng gây uốn ván hay không.

Uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Nếu không xử lý kịp thời dễ nguy hiểm tính mạng.

Trường hợp vết thương chảy máu cần dùng bông gạc hoặc vải sạch ấn trực tiếp vào chỗ bị đâm cho máu không chảy nữa. Ngoài ra, bạn cần rửa sạch vết thương bằng nước muối ấm để tránh nhiễm trùng. Sau khi rửa vết thương, đợi khô hẳn rồi dùng băng gạc sạch băng bó lại. Thay băng mỗi ngày để đảm bảo vết thương sạch và nhanh lành. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường liên quan đến vết thương nên đến bác sĩ.

Vụ học sinh ngộ độc tập thể ở Hà Nội: Chưa xác định được nguyên nhân do cần thời gian xét nghiệm các mẫu

Để có kết quả chính xác do vi khuẩn, độc tố nào, cần thời gian vì hiện tại các mẫu vẫn đang xét nghiệm, chưa có kết quả.

TIN MỚI NHẤT