Tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.
- Đã qua đỉnh dịch nhưng số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng cao, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
- Một người có thể mắc sốt xuất huyết mấy lần, có bị lại không?
Theo thông tin từ báo Lao Động, một tuần qua, thành phố đã ghi nhận 328 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, những ngày này, các phòng bệnh có bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm phần lớn, đa số các ca bệnh đều ở mức độ nặng, thậm chí nhiều trường hợp phải thở máy.
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình sốt xuất huyết tại TPHCM có tăng nhẹ so với các tháng trước, nhưng so với chu kỳ năm ngoái và trung bình 5 năm qua, vẫn ở mức thấp. Dù vậy, người dân không nên chủ quan, đặc biệt trong mùa mưa, khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh hơn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ nhiệm Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào khoảng tháng 10, khi mưa nhiều, dẫn đến số ca mắc tăng nhanh, hiện tại đã xuất hiện nhiều ca nặng.
Sốt xuất huyết là căn bệnh khó lường, có thể chuyển biến nặng rất nhanh và tiên lượng phức tạp, khiến cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều lo ngại.
Quá trình điều trị sốt xuất huyết tốn nhiều công sức, cần theo dõi sát sao, khám bệnh thường xuyên, thực hiện nhiều xét nghiệm máu. Nếu bệnh nhân không may bị suy đa tạng, sốc không hồi phục, hoặc tái sốc, việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần thứ 38 (từ ngày 16 đến 22.9), thành phố ghi nhận 328 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Tổng số ca mắc tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 7.337 ca. Các địa phương có tỉ lệ mắc cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và TP Thủ Đức.
Dẫn tin từ báo Công an TP.HCM, BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, bệnh SXH có thể gây nhiều biến chứng nặng ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là trẻ em, người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thể trạng béo phì, phụ nữ có thai. Các biến chứng gồm tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Phương pháp điều trị với những trường hợp biến chứng nặng có thể cần đến kỹ thuật chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày, không ít trường hợp điều trị kéo dài tốn kém đến hàng tỷ đồng.